Berlin 2070
Nhabe Scholae x VNA x T+M Design studio
Location: Germany
Area: 1200 m2
Year: 2019
Status: Competition
Berlin tầm nhìn 2070
I- Lịch sử hình thành đô thị phân mảnh:
Trong lịch sử hình thành và phát triển của mình, thành phố Berlin luôn nằm trong tư thế đối cực – hai nửa. Nếu điều kiện địa lý (sông Spree) là điều kiện chung đối với tất cả các đô thị cận sông thì trong lịch sử Berlin luôn phải đấu tranh với mâu thuẫn đó để cuối cùng chấp nhận trạng thái này.
Trong thời kì chiến tranh lạnh, hai nửa thành phố được xây dựng theo những lí thuyết đô thị khác hẳn và có phần trái ngược với nhau. Điều kiện đặc thù của chiến tranh lạnh ở một khía cạnh nào đó kìm giữ sự phát triển kinh tế và cản trở việc thực hiện quá trình hiện đại hóa triệt để, thống trị bởi các dự án tái kết cấu đô thị đặc trưng cho các Đại đô thị khác. Hệ quả trực tiếp của lịch sử khiến thành phố có fabric đô thị ở dạng ốc đảo (archipelago), vô cùng nhiều khoảng trống lớn ở trung tâm. Chính sự không định hình này và tính dang dở của nó làm cho Berlin từ những năm 90 hiện thân cho thay đổi, cấp tiến, đa sắc diện, hỗn độn và sáng tạo, hi vọng và tương lai.
II – Những yếu tố bất biến:
Goethe – « Was ist heilig ? Das ist’s, was viele Seelen zusammenbinden »
Goethe”Thiêng liêng là gì? Chính là thứ nối kết những linh hồn?”
Suy nghĩ của chúng tôi về tương lai dựa trên đặc thù đa diện và tiềm năng biến đổi của thành phố. Các yếu tố liệt kê dưới đây được đưa ra như các điều kiện để gìn giữ căn tính đa dạng này :
1 – Tự nhiên:
Việc chia sẻ không gian thiên nhiên chung, sông Spree và Tiergarten là yếu tố dung hòa quan trọng nhất. Thiên nhiên kết nối và đẩy mạnh cảm thức về một tình cảm chung của hai nửa thành phố. Nó ở đó như một phần của lịch sử đô thị, tính hằng cửu của tự nhiên và sự khác biệt căn cơ của nó với fabric đô thị là yếu tố có tính kết tinh lớn cho niềm hứng khởi về tương lai chung của các cộng đồng người khác nhau.
2 – Văn hóa:
Khu vực trung tâm (Mitte), đảo bảo tàng, khu quốc hội được tái cấu trúc từ sau chiến tranh, ở trong vùng trung gian và tự nó tạo ra giá trị văn hóa quan trọng trong hình dung của người Berlin.
3 – Sự rỗng:
Pattern đặc thù của thành phố chính là các khoảng rỗng lớn đến từ hoàn cảnh tàn phá sau hậu chiến. Tiến trình tái xây dựng thành phố qua các thời kì khác nhau trải dài hơn 60 năm với các thay đổi quan niệm gốc rễ đặc trưng cho mỗi thời kì biến Berlin trở thành một phòng thí nghiệm đặc biệt thú vị về các lí thuyết đô thị đa dạng. Sự hỗn độn và rộng lớn tạo ra từ các ốc đảo đô thị giữa các khoảng rỗng đan xen chính là nét đặc trưng mạnh mẽ của thành phố này.
III- Tầm nhìn:
1 – Từ Utopia đến Biotopia:
Trong cuộc thi này với hoàn cảnh vô cùng đặc biệt của thành phố Berlin (phòng thí nghiệm của các lí thuyết đô thị cấp tiến) nhận định của nhóm muốn critic khái niệm utopia để tạo ra một cách nhìn thi vị và đạo đức về một thành phố tương lai.
Truyền thống Utopia được hình thành từ truyền thống Thiên Chúa giáo (thời gian phóng chiếu tuyến tính và phóng chiếu về sự khải huyền tương lai) và phong trào Khai Sáng (tiến bộ như một tiến trình biện chứng một chiều). Ở đó đô thị và hiện tượng đô thị luôn như ẩn dụ để hình ảnh hóa những viễn tưởng về tương lai. Tương lai và tiến bộ được hiện thân qua hình ảnh đô thị siêu hiện đại, luôn cao hơn, tinh vi hơn. Diễn ngôn chủ đạo này rời xa suy nghĩ ban đầu của Utopia như vùng đất hi vọng của đời sống hòa thuận và hạnh phúc giữa cộng đồng người. Nó né tránh các mâu thuẫn căn rễ của con người đô thị trong mối quan hệ tha hóa của họ với tự nhiên, mâu thuẫn trong sự chia rẽ sâu sắc về giai cấp và căn tính của các cộng đồng người khác mình.
Diễn ngôn về công nghệ không còn là động lực để tạo ra utopia về đô thị. Trái lại, khi mà các vấn đề công nghệ ở thời gian tới sẽ đi vào tỉ lệ vi mô: cá nhân, con người, kiểm soát biopolitics.. rhetoric của công nghệ từ bỏ lãnh thổ truyền thống của nó là đô thị, tốc độ, giao thông (như thế kỉ XX đã làm) để trở nên tinh vi, nhỏ gọn và gần như vô hình.
Đô thị ở thời kì tương lai có lẽ không còn cần thiết đóng vai trò của một ẩn dụ của sự tiên tiến kĩ thuật. Trái lại, đô thị cần đối diện với những di sản cấu trúc của thế kỉ XX: tự tầm thường hóa tính công cộng của không gian chung, thay bằng các không gian giao thông cơ giới thuần công năng – phi nơi chốn (khái niệm “non-lieu” của Marc Auge). Thiên nhiên bị hấp thụ vào trong đô thị và nhưng cũng trở thành một phần công năng tầm thường khác. Nếu đô thị đã từng là không gian chính trị (không gian polis Hy Lạp), sản xuất (như thời trung cổ), giao thương (như thời phục hưng) thì ở thế kỉ trước đô thị được suy nghĩ như là cỗ máy tiêu thụ và giải trí. Suy nghĩ về những di sản này trong nhận thức về vấn đề sinh thái và thay đổi khí hậu có lẽ là vấn đề trọng tâm của đô thị.
2 – Biotopia như đề xuất cộng sinh:
Ở trong ý nghĩ đó, hình ảnh của đô thị tương lai có lẽ không có gì quá tương lai, theo viễn cảnh kĩ thuật của từ này. Mà chính là sự quay lại, tái dung hòa và hướng đến hòa giải các vấn đề căn rễ đầy mâu thuẫn của con người đô thị:
-Cùng cộng sinh với thiên nhiên: Tự nhiên và biến đổi môi trường trong kỉ nhân sinh (anthropocene) thực sự và thách thức quan trọng nhất đối với đô thị. Khả năng chung sống cùng với một hệ sinh quyển phong phú nằm ngay trong lòng đô thị là thái độ đạo đức vừa ngây thơ vừa tham vọng. Sự hiện diện của tự nhiên qua những không gian được liên kết bằng các hành lang sinh học cho phép tồn tại đan xen giữa “mạng lưới nhân tạo” và “mạng lưới thiên nhiên” đan quyện vào nhau. Trong môi trường ko còn lấy con người là trung tâm đó, thiên nhiên như chính nó sẽ ở dạng lãnh thổ, hành lang sinh thái, phát triển giữa các hạt nhân đô thị.
-Đẩy mạnh đô thị vệ tinh bằng cách phát triển giao thông công cộng: cùng với việc đưa thiên nhiên thâm nhập vào trái tim của thành phố, tính đa dạng, đa sắc của Berlin được nhấn mạnh bằng cách đẩy các vùng vệ tinh trở thành những cụm “thành phố trong thành phố”. Giao thông tự động và công cộng kết nối các điểm với nhau.
-Mạng lưới tiểu nông trại đô thị: xây dựng hệ nông trại vi mô là nơi phân phối và cung cấp sản phẩm thông qua công nghệ và kĩ thuật. Nông phẩm do đó được lưu chuyển trên quan hệ giữa cá nhân và cá nhân. Hàng hóa ở trong quan hệ con người chứ không còn quan hệ vô danh như trong xã hội tiêu thụ.
-Đời sống chính trị và nghệ thuật: môi trường chính trị và văn hóa cho phép các cá nhân, cư dân của thành phố gìn giữ và phát triển tinh thần cộng đồng thông qua khả năng tiếp cận và tham gia các công việc của thành phố. Nhờ có các hoạt động cộng đồng và văn hóa mà tinh thần và số phận của các cá thể khác biệt trở nên có ý nghĩa.