Thành phố như hình thái chính trị

Pier Vittorio Aureli
Bài dịch trong chuỗi tiểu luận bàn về sự hình thành của thành phố hiện đại, quan hệ của nó với chủ nghĩa tư bản.
Đậu Sỹ Nghĩa dich, biên tập Nguyễn Anh Cường

“Thành phố là chỉ dấu minh nhiên nhất của những tương quan quyền lực. Không đơn thuần là phương tiện hỗ trợ sự vận hành đô thị, bức tường, quảng trường hay đường phố còn định hình một bộ máy quản trị mở rộng (extensive governmental apparatus). Không đề xuất một quan hệ nhân quả giữa hình thái và chính trị, chủ định ở đây là truy nguyên nguồn gốc chính trị của những đồ án đô thị đặc biệt trong lịch sử đô thị hiện đại. Mục tiêu là kiểm chứng tính công cụ hóa chính trị của hình thái kiến trúc. Bởi lý do đó, thay vì xem xét thành phố trên phạm vi rộng, trọng tâm ở đây sẽ là những nguyên mẫu kiến trúc tiêu biểu…”

“Việc tái tạo lại thành Rome như thủ đô Thiên chúa giáo vào khoảng giữa thế kỷ 14 và 16 có thể được xem như một trong những quá trình tranh đấu quyết liệt nhất của sự biến đổi đô thị ở thế giới phương Tây. Điều này phần lớn đến từ hai điều kiện đặc biệt của thành phố: sự phức tạp về địa lý và địa hình cùng với chế độ chính trị đặc thù của nó. Khác với bất kì thành phố lớn nào thời trung cổ ở châu Âu, các trung tâm quyền lực và biểu tượng quan trọng của Rome – khu Capitol, nhà thờ chính tòa thánh John và Vatican – lại nằm ở rìa thành phố thay vì ở trong trung tâm. Cấu trúc địa lý này góp phần vào việc biến trung tâm thành phố trở thành trường lực đa cực không giải quyết nổi, bị tranh chấp bởi các quyền lực khác nhau, đại diện cho trung tâm này. Chế độ chính trị ở đây là một nền quân chủ phi triều đại, ở đó mỗi giáo hoàng sẽ được bầu lên khi ông đã rất lớn tuổi nhằm ngăn cản thời gian trị vì quá lâu, nghĩa là ông ta sẽ chỉ có rất ít thời gian để áp đặt cải cách và để lại di sản của bản thân trên hình thái thành phố. Sự đứt gãy triệt để về chính trị giữa các triều đại giáo hoàng có nghĩa là những nỗ lực của người đi trước hầu như không bao giờ được những người lên sau tiếp nối và trong trường hợp tốt nhất luôn có mục tiêu trái ngược. Những điều kiện cực đoan này cộng hưởng bên trong hình thái đô thị hỗn loạn tạo ra từ quần đảo của những thái ấp, mà mỗi cái trong số chúng được trị vì bởi một gia tộc hay một triều đình tranh chấp nhau.”

https://drive.google.com/open?id=1-OVTwm62HYLa_QkDCua6_UKIVG9eapcv