Thi học không gian - Gaston Bachelard (1957)
Dẫn nhập I-II

Dẫn nhập

I.

Một triết gia đã định hình toàn bộ tư tưởng của mình ở những chủ đề nền tảng của triết học khoa học, đã theo đuổi một cách sát sao nhất có thể con đường chủ nghĩa duy lý chủ động, con đường chủ nghĩa duy lý càng ngày càng tăng của khoa học hiện tại, người đó phải quên đi những hiểu biết của mình, cắt đứt với toàn bộ thói quen nghiên cứu triết học trước kia nếu anh ta muốn nghiên cứu những vấn đề đặt ra bởi trí tưởng tượng thi ca. Ở đây, phần quá khứ văn hóa không còn quan trọng; nỗ lực bền bỉ để nối kết và dựng nên các suy tưởng, nỗ lực hàng tuần hàng tháng đều không hiệu quả. Cần phải hiện diện, hiện diện với hình ảnh trong phút giây của hình ảnh: nếu có một triết học về thi ca, thì triết học ấy phải sinh ra và tái sinh chính ở câu thơ xuất thần, trong sự nối kết hoàn toàn với một hình ảnh biệt biện, ở ngay trong chính cơn say tươi mới của hình ảnh. Ảnh tượng thi ca là một sự gập ghềnh đột biến của tâm lý, sự gập ghềnh này vốn đã không được nghiên cứu đầy đủ trong tính nhân quả tâm lý học tiềm thức. Không có gì bao quát hay có gì định vị có thể sử dụng làm cơ sở cho một triết học thi ca. Quan niệm về nguyên tắc, hay về “cơ sở” ở đây cũng thất bại. Điều này có thể còn chặn đứng tính hiện thực cốt yếu, tính tươi mới cốt yếu tâm lý của bài thơ. Khi mà sự suy tư triết học làm việc dựa trên một vấn đề khoa học suy ngẫm đã lâu, suy tư này yêu cầu ý tưởng mới cần hội nhập vào một tổng thể ý tưởng đã công nhận trước đó, ngay cả khi tổng thể các ý tưởng có trước bị buộc phải xét lại một cách triệt để như ở trường hợp toàn bộ những cuộc cách mạng về khoa học hiện tại; trong khi đó triết học thi ca lại phải thừa nhận rằng hành vi thi ca không có hề có quá khứ, hay ít ra không có cái quá khứ gần mà ta có thể theo dõi sự chuẩn bị và sự hoàn thiện của nó.

Tiếp đó, khi chúng ta cần nói đến mối quan hệ giữa một hình ảnh thơ ca mới với một nguyên mẫu ngủ sâu trong tiềm thức, ta phải làm rõ việc quan hệ đó thật ra không hề có tính nhân quả. Hình ảnh thơ ca không chịu một lực đẩy nào cả. Nó không phải là tiếng vọng của quá khứ. Đúng ra là ngược lại: đi từ sự vỡ tung của hình ảnh, cái quá khứ xa xôi sẽ đồng vọng và ta chỉ thấy lờ mờ ở mực sâu nào những tiếng vang đó sẽ vọng lại và chìm đi. Trong sự mới mẻ của nó, trong hoạt tính của nó, hình ảnh thơ ca có một tồn tại riêng, một động tính riêng. Nó thuộc về một thứ hữu thể học trực tiếp. Chính là về cái hữu thể học này là thứ chúng tôi muốn làm.

Chúng ta vẫn hay thường nghĩ rằng thước đo thật sự của tồn tại của một hình ảnh thi ca nằm trong sự đối lập với tính nhân quả, như trong sự âm hưởng đã được nghiên cứu tỉ mỉ bởi Minkowski. Trong sự âm hưởng, hình ảnh thơ ca có được tính thanh âm của tồn tại. Nhà thơ nói ở bờ của tồn tại. Như cách làm hiện tượng học của Minkowski, chúng ta do thế phải xác định tồn tại của một hình ảnh bằng cách xác minh sự âm hưởng là gì.

Nói rằng hình ảnh thi ca thoát khỏi tính nhân quả, tất nhiên, là một tuyên bố quan trọng. Nhưng những nguyên nhân viện tới từ phía nhà tâm lý học hay nhà phân tâm học không bao giờ có thể giải thích rõ rệt đặc tính thực sự bất ngờ của một hình ảnh tươi mới, cũng như sự lôi cuốn mà nó gợi ra trong một tâm hồn xa lạ ở tiến trình tạo dựng ra nó. Nhà thơ không tiết lộ cho tôi về quá khứ hình ảnh của anh ta, nhưng hình ảnh đó ngay lập tức bắt rễ trong tôi. Tính truyền thông của một hình ảnh đơn biệt là một sự kiện có ý nghĩa lớn lao về mặt bản thể học. Chúng ta sẽ quay lại với sự hiệp thông qua hành vi ngắn, biệt biện và chủ động này. Ngay sau đó, những hình ảnh sẽ gợi thêm nữa nhưng chúng không phải là những hiện tượng của một sự kéo theo. Hiển nhiên ta có thể, bằng nghiên cứu tâm lý học, tập trung vào phương pháp phân tâm học để xác định thân thế nhà thơ, và ta có thể tìm thấy thước đo cho áp lực, nhất là những ẩn ức, mà nhà thơ đã phải trải qua trong cuộc đời người ấy, nhưng hành vi thi ca, hình ảnh đột ngột, sự bốc cháy của tồn tại trong trí tưởng tượng vẫn thoát khỏi những truy cứu kiểu này. Ở đây chúng ta hiểu theo nghĩa một nghiên cứu về hiện tượng hình ảnh thi ca khi hình ảnh nổi lên trong ý thức xét như kết quả trực tiếp từ trái tim, tâm hồn, từ tồn tại của con người nắm bắt trong tính hiện thực của nó.


II.

Chúng tôi có lẽ sẽ bị chất vấn rằng tại sao lại thay đổi quan điểm trước kia, và vì sao chúng tôi lại tìm một sự xác định hiện tượng học về hình ảnh. Trong những nghiên cứu trước kia của chúng tôi về trí tưởng tượng, thực vậy, chúng tôi đã cho rằng sẽ hợp hơn khi quan tâm khách quan nhất có thể về những hình ảnh của bốn yếu tố vật chất, bốn nguyên tắc của vũ trụ học trực quan. Trung thành với thói quen triết học về khoa học, chúng tôi đã thử xem xét những hình ảnh này ở bên ngoài toàn bộ những cố gắng diễn giải có tính cá nhân. Từ từ, phương pháp này, trong sự thận trọng khoa học riêng nó, với tôi dường như không đủ để lập nên một môn siêu hình học về trí tưởng tượng. Đứng một mình, thái độ “thận trọng” này chẳng phải là một sự từ chối tuân theo tính năng động trực tiếp của hình ảnh sao ? Hơn nữa chúng tôi đã nhìn được khó khăn để thoát ra khỏi thái độ thận trọng đó. Bảo rằng ta từ bỏ những thói quen tư duy là một phát ngôn đơn giản nhưng phải làm thế nào ? Đối với một người duy lý thì đó là một bi kịch nhỏ bé thường nhật, giống một kiểu nhân bội tư duy mà, cho dù đối tượng chỉ là một bộ phận nhỏ – một hình ảnh đơn giản – nó vẫn không hề kém bé nhỏ hơn cái âm thanh vang vọng trong tâm trí. Nhưng cái bi kịch văn hóa nhỏ ấy, cái bi kịch ngay trong mức độ đơn giản của một hình ảnh mới mẻ, chứa đựng toàn bộ sự mâu thuẫn của một môn hiện tượng học về trí tưởng tượng: làm sao mà một hình ảnh đôi lúc rất đơn biệt lại có thể xuất hiện như một sự tập trung của toàn bộ tâm lý ? Cũng như thế làm sao mà sự kiện đơn biệt có thể tác động ngược lại mà không hề có một sự chuẩn bị trước, lên những linh hồn khác, bên trong những trái tim khác, và, mặc cho toàn bộ những hành trang của lẽ thường, tất cả những suy tư hiền triết, mãn nguyện trong sự bất biến của chúng ?

Vì thế chúng tôi cảm thấy rằng tính siêu chủ thể của hình ảnh không thể hiểu được về mặt bản chất nếu ta chỉ ở trong những thói quen về những tham chiếu khách quan. Chỉ có môn hiện tượng học – tức là sự xem xét về sự xuất phát của hình ảnh trong ý thức cá nhân – có thể giúp chúng ta hình dung chủ thể tính của những hình ảnh và giúp ta đo được tầm cỡ, sức mạnh và ý nghĩa của tính siêu chủ thể của hình ảnh. Tất cả những tính chủ thể, siêu chủ thể này, không thể được xác định trong một lúc được. Ảnh tượng thơ ca thực vậy, về bản chất nó là biến dịch. Không phải như một khái niệm, nó không cấu thành một cách cụ thể. Hiển nhiên, công việc thật cam go, mặc dù cũng đơn điệu, khi nêu ra hành động lai biến của trí tưởng tượng bên trong chi tiết của những biến dịch hình ảnh. Đối với một độc giả thơ, viện dẫn một học thuyết mang tên là hiện tượng học, mà thông thường vẫn bị hiểu nhầm, có cơ may không được đáp lại. Tuy nhiên, bỏ qua tất cả các học thuyết, tiếng gọi này là rõ ràng: ta đòi hỏi độc giả thơ đừng hiểu hình ảnh như một đối tượng, càng không như một cái thay thế cho đối tượng, mà hãy nắm bắt cái hiện thực đơn biệt từ đó. Để làm việc này ta phải gắn kết một cách hệ thống hành vi ý thức chủ động với sản phẩm phù du nhất của ý thức: hình ảnh thơ ca. Ở mức độ hình ảnh thơ ca, sự song hành của chủ thể và khách thể lấp lánh, phản chiếu, hoạt động không ngừng trong sự tráo đổi giữa chúng. Trong lĩnh vực của sự sáng tạo hình ảnh thi ca bởi nhà thơ, môn hiện tượng học ở đây, ta có thể nói, là môn hiện tượng học tế vi. Do đó, môn hiện tượng học này có thể xem như hoàn toàn cơ bản. Thông qua hình ảnh, trong sự hợp nhất giữa một chủ thể tính thuần túy nhưng phù du và một thực tại không nhất định đi hết sự kiện toàn của nó, môn hiện tượng học này sẽ tìm thấy một vùng kinh nghiệm phong phú; nó nhận lại từ những quan sát có thể chính xác bởi sự giản đơn, và bởi chúng không “gây hậu quả” như trường hợp những suy tưởng khoa học luôn là những suy tưởng liên quan với nhau. Hình ảnh, trong sự đơn giản của nó, không cần đến hiểu biết. Nó là tài sản của một ý thức ngây thơ. Trong sự biểu lộ của nó, nó là ngôn ngữ tươi trẻ. Nhà thơ, trong sự tươi mới của những hình ảnh của mình, luôn là nguồn gốc uyên nguyên của ngôn ngữ. Để đặc định những gì có thể là một môn hiện tượng học về hình ảnh, để đặc định rằng hình ảnh có trước suy tư, phải nói rằng thơ ca là một hiện tượng học về tâm hồn hơn là một hiện tượng học về tinh thần. Vì thế ta phải gom nhặt lại những tài liệu về ý thức mơ mộng.

Triết học trong tiếng Pháp hiện tại – huống chi tâm lý học – không mấy khi sử dụng cặp đôi tâm hồn và tinh thần. Cả hai thứ này do thế mà đều không chạm được vào một số đề tài – mặc rất nhiều trong triết học Đức – nơi mà sự phân biệt giữa tinh thần và tâm hồn (der Geist và dei Seele) rất rõ nét. Nhưng chính vì một triết học về thi ca phải đón lấy tất cả năng lực của từ vựng, nó không được phép đơn giản hóa bất kỳ điều gì, đông cứng bất kỳ điều gì. Với một triết học như thế, tinh thần và tâm hồn không phải là từ đồng nghĩa. Khi ta coi chúng như đồng nghĩa, ta sẽ chặn lại việc diễn dịch những văn bản quý giá, ta sẽ bóp méo những tài liệu mang lại từ môn khảo cổ về những hình ảnh. Tâm hồn là một từ bất tử. Trong một số bài thơ, nó là phần ẩn mật vô ngôn. Đó là một từ của hơi thở. Riêng một mình nó, sự quan trọng về âm vị của từ này đã khiến ta phải lưu ý đến một môn hiện tượng học về thi ca. Từ “tâm hồn” có thể được đọc lên một cách thơ ca với lòng tin chắc chắn đến nỗi nó kéo theo toàn bộ bài thơ. Vì thế nên lĩnh vực thơ ca liên quan đến tâm hồn cần để ngỏ cho sự truy tầm hiện tượng học của ta.

Chính ở lĩnh vực của hội họa, nơi mà sự hiện thực hóa có vẻ như gắn với những quyết định thuộc về tinh thần, quy định của thế giới tri giác, thì hiện tượng học về tâm hồn có thể sẽ nêu lên cái tiếp xúc ban đầu với tác phẩm. Rene Huyghe trong lời tựa rất hay viết về triển lãm của Georges Rouault ở Albi đã ghi: “Nếu ta phải đi tìm nơi mà Rouault đã làm nổ tung những định nghĩa…, có lẽ ta sẽ phải viện đến một từ hơi lỗi mốt, tức là tâm hồn”. Và Rene Huyghe chỉ ra rằng để hiểu, để cảm nhận và để yêu tác phẩm của Rouault “ta phải tự đặt mình vào trung tâm, vào điểm giữa, vào tâm xoay nơi tất cả bắt đầu: và hẳn thế, ở đó ta tìm thấy một từ quên lãng và thường chịu dè bỉu, tức tâm hồn”. Và tâm hồn – tranh của Rouault minh chứng – sở hữu ánh sáng bên trong, được lĩnh hội và đưa vào thế giới của những màu sắc long lanh, vào thế giới của ánh sáng mặt trời từ “nhãn quang nội tâm” ấy. Vậy nên, những người yêu mến và muốn thấu hiểu hội họa của Rouault, sẽ yêu sách một sự đảo ngược thực sự về quan điểm tâm lý học. Anh ấy phải nhập mình vào ánh sáng bên trong, không phải như sự phản chiếu của một thứ ánh sáng từ thế giới bên ngoài; tất nhiên những diễn đạt về nhãn quang nội tâm, về ánh sáng bên trong thường quá dễ để lạm dụng. Nhưng ở đây là lời nói của một họa sĩ, một người tạo tác ánh sáng. Người ấy biết từ nơi nào sự chiếu sáng phát ra. Trên nguyên tắc về hội họa như vậy, có một tâm hồn đấu tranh. Trường phái fauvisme nằm ở bên trong ta. Một hội họa như thế vì vậy là một hiện tượng của tâm hồn. Tác phẩm cần cứu chuộc một tâm hồn đam mê.

Những trang viết của Rene Huyghe xác nhận với ta ý tưởng rằng việc nói về môn hiện tượng học tâm hồn là có ý nghĩa. Trong nhiều trường hợp, ta phải thừa nhận rằng thi ca là một sự dấn thân của tâm hồn. Ý thức gắn liền với tâm hồn thì yên nghỉ thong thả hơn, ít có ý hướng hơn là ý thức gắn với những hiện tượng của tinh thần. Năng lực hiện ra trong thơ thể hiện không ở trong con đường của sự hiểu biết. Những biện chứng giữa cảm hứng và tài năng tự sáng tỏ khi ta xem xét chúng từ hai cực: tâm hồn và tinh thần. Chúng tôi nghĩ rằng, tâm hồn và tinh thần đều không thể thiếu trong nghiên cứu những hiện tượng về hình ảnh thi ca, trong sắc màu đa diện của nó, nhất là để theo dõi sự tiến hóa của hình ảnh thi ca từ sự mơ mộng cho đến sự hiện thực. Trong trường hợp này, chúng tôi sẽ làm nghiên cứu sự mơ mộng thơ ca xét từ quan điểm hiện tượng học tâm hồn ở một quyển sách khác. Riêng một mình nó, sự mơ mộng đã là một cấu tạo tâm lý mà ta hay thường nhầm với giấc mơ. Nhưng khi mà ta nói về một mơ mộng thi ca, về một mơ mộng thăng hoa không chỉ từ chính nó, mà nó chuẩn bị cho những tâm hồn khác những sự thăng hoa thi ca, ta biết rõ là ở đây không phải là nơi chốn của giấc ngủ. Tinh thần có thể biết sự thư giãn, nhưng trong mơ mộng thi ca thì tâm hồn sẽ canh gác, không căng thẳng, yên bình và chủ động. Để làm một bài thơ hoàn chỉnh, có cấu trúc, tinh thần phải hình dung trước trong dự phóng của mình. Nhưng với một hình ảnh thi ca đơn giản, thì không cần đến dự phóng, mà chỉ cần chuyển động tâm hồn. Trong hình ảnh thi ca, tâm hồn nói sự hiện diện của mình.

Và đó là cách mà nhà thơ đặt vấn đề hiện tượng học tâm hồn một cách rõ ràng nhất. Pierre-Jean Jouve viết rằng: “Thơ ca là một tâm hồn linh khải một hình thức”. Tâm hồn linh khải. Ở đây nó là năng lực quyết định. Nó là nhân cách con người. Thâm chí khi cái “hình thức” đã được biết, được tri kiến, tạo hình từ những “chốn chung”, trước khi có ánh sáng thơ ca bên trong, nó vẫn chỉ là một đối tượng đơn giản của tinh thần. Nhưng tâm hồn sẽ đến linh khải cái hình thức đó, ở trong đó, thỏa ý trong đó. Câu nói của Pierre-Jean Jouve có thể vì thế được hiểu như là một châm ngôn minh nhiên của môn hiện tượng học về tâm hồn.

—–

Bài dịch có dùng các chữ việt mượn từ tập Thi học (không gian): một cuộc trò chuyện – AJAR