Thi học không gian - Gaston Bachelard (1957)
Dẫn nhập III-IV

Dẫn nhập

(…)

III.

Bởi nó muốn đi xa như thế, đào sâu như vậy, nên một truy cứu hiện tượng học về thơ, do quy định về phương pháp, sẽ phải vượt xa hơn những âm hưởng cảm xúc, ít nhiều phong phú – dù sự phong phú trong ta hay trong thơ- mà ta đón nhận tác phẩm nghệ thuật. Ở đây cần nhạy cảm với cặp đôi hiện tượng học âm hưởng (resonances) và âm vang (retentissement). Những âm hưởng lan tỏa trong các mặt khác nhau của cuộc đời ta bên trong thế giới, còn sự âm vang cất tiếng gọi để đi sâu vào hiện hữu của chính ta. Trong âm hưởng, ta lắng nghe bài thơ, trong âm vang ta nói thơ, nó là của ta. Âm vang thực hiện một đảo ngược tồn tại. Có vẻ như tồn tại của nhà thơ là tồn tại của ta. Sự đa dạng âm hưởng thoát khỏi cái hợp nhất tồn tại của âm vang. Nói đơn giản hơn, ở đây ta chạm vào một cảm nhận chung của người đọc thơ: bài thơ chiếm lấy ta toàn bộ. Việc nắm bắt tồn tại bởi thơ có một dấu ấn hiện tượng học không thể nhầm lẫn. Sự dồi dào và sự sâu sắc của thơ luôn là những hiện tượng của cặp đôi âm hưởng – âm vang. Có vẻ như là, bởi sự dồi dào của nó, thơ lay động trong ta những chiều sâu thẳm. Để nhận biết hành động tâm lý của một bài thơ, ta phải theo hai trục phân tích hiện tượng học, phía dồi dào của tinh thần và phía chiều sâu của tâm hồn.

Hiển nhiên không cần nói, sự âm vang (retentissement), dù là phái sinh (của từ retentir), lại mang một đặc tính hiện tượng học đơn sơ nằm bên trong những vùng đất của trí tưởng tượng thơ ca mà chúng tôi muốn nghiên cứu. Nghĩa là, thông qua âm vang của một hình ảnh thuần túy, ta cần phải xác định sự thức tỉnh chân thực về sự sáng tạo thơ ca cho đến tận bên trong tâm hồn của độc giả. Bởi tính tươi mới, một hình ảnh thơ rung động toàn bộ hoạt động ngôn ngữ. Hình ảnh thơ đặt ta vào chốn uyên nguyên của một hiện hữu nói.

Nhờ âm vang, chúng ta ngay lập tức vượt ra khỏi toàn bộ tâm lý học hay phân tâm học, và ta cảm thấy một năng lực thơ ca dậy lên thơ ngây ngay trong lòng mình. Chỉ sau tiếng âm vang thì chúng ta mới có thể nhận thấy những âm hưởng, những dội lại đầy cảm xúc, những lời gọi từ quá khứ. Tuy nhiên hình ảnh đã chạm vào nhiều độ sâu khác nhau trước khi nó khuấy động bề mặt. Thật đúng thế ở trải nghiệm đơn giản của độc giả. Hình ảnh mà việc đọc thơ mang thực sự trở thành thứ gì của ta. Nó bắt rễ trong chính ta. Ta đón nhận nó, nhưng sinh ra cảm nhận rằng chính ta có lẽ đã có thể tạo ra nó, ta đã nên tạo ra nó. Nó trở thành một tồn tại mới của ngôn ngữ riêng ta, nó biểu đạt ta bằng cách biến ta thành những gì nó tỏ bày, nói cách khác, nó đồng thời là một sự trở trành của sự biểu đạt và một sự trở thành của cái tồn tại của ta. Ở đây sự biểu đạt tạo ra tồn tại.

Nhận xét vừa rồi xác định mức độ hữu thể học mà chúng tôi nghiên cứu. Theo luận thuyết chung, chúng tôi nghĩ rằng tất cả những gì đặc thù cho người bên trong một con người là logos. Chúng tôi không thể chiêm nghiệm gì trong vùng đất có trước ngôn ngữ. Thậm chí nếu đề thuyết này có vẻ từ chối một độ sâu nào đó về hữu thể học, ít nhất người ta cần chấp nhận cái giả thuyết nghiên cứu này là hoàn toàn phù hợp với cách thức mà chúng tôi theo đuổi về trí tưởng tượng thơ ca.

Như thế hình ảnh thơ, tức như một sự biến của logos, với riêng ta nó là sáng tạo. Ta không còn xem nó như “đối tượng”. Ta cảm thấy thái độ “khách quan” của việc phê bình bóp nghẹt sự “âm vang”, nó mặc định gạt đi chiều sâu phát khởi hiện tượng thơ ca nguyên thủy. Nhà tâm lý học thì ù tai bởi tiếng âm hưởng, không ngừng mong muốn mô tả tình cảm của mình. Nhà phân tâm thì đánh mất sự âm vang, hoàn toàn bận bịu trong vòng xoay thông diễn. Bằng một sự tất yếu quả quyết trong phương pháp, nhà phân tâm tri thức hóa hình ảnh. Anh ta hiểu hình ảnh sâu sắc hơn nhà tâm lý học. Nhưng chính vì lẽ này, anh ta “hiểu” nó. Với nhà phân tâm, hình ảnh thơ ca luôn có văn cảnh. Khi diễn giải hình ảnh, anh dịch nó trong ngôn ngữ xa lạ với logos thơ ca. Không đâu lại đúng như đây: “traduttore, traditore”.

Khi đón nhận một hình ảnh thơ mới, chúng ta cảm thấy giá trị liên chủ thể của nó. Ta biết rằng ta sẽ nói lại hình ảnh ấy để truyền đi niềm hứng khởi. Xem xét trong việc truyền từ tâm hồn này sang tâm hồn khác, ta thấy rằng một hình ảnh thơ thoát khỏi những nghiên cứu về nhân quả. Những luận thuyết nhân quả rụt rè như tâm lý học hay xác quyết như phân tâm học cũng chỉ không thể xác định gì nhiều hữu thể học của tính thi ca: một hình ảnh thơ ca không có sự chuẩn bị trước, nhất là văn hóa, ở khía cạnh văn chương, nhất là tri giác, ở khía cạnh tâm lý.

Do đó, chúng tôi vẫn luôn đến một kết luận giống nhau: sự tươi mới cốt yếu của hình ảnh thơ ca đặt ra vấn đề tính sáng tạo của hiện hữu nói. Nhờ tính sáng tạo này, một cách đơn giản nhưng rất đỗi thuần khiết, ý thức đang-tưởng tượng sẽ có được trạng thái như một nguồn gốc uyên nguyên. Một môn hiện tượng học của trí tưởng tượng thơ ca cần chỉ ra cái giá trị uyên nguyên đó của những hình ảnh thơ ca đa dạng trong một nghiên cứu về trí tưởng tượng.

 

IV.

Khi giới hạn sự nghiên cứu của chúng tôi như vậy về hình ảnh thơ ở phần nguồn gốc của nó từ trí tưởng tượng thuần túy, chúng tôi để sang một bên vấn đề bố cục của thơ xét như sự tổ hợp những hình ảnh đa thể. Trong bố cục của thơ dự vào những yếu tố phức tạp về tâm lý học, nó gắn kết phần văn hóa ít nhiều xa xôi với phần lý tưởng văn chương của từng thời, tức tất cả những bộ phận mà một môn hiện tượng học hoàn chỉnh chắc chắn cần xem xét. Nhưng một đề cương rộng lớn như vậy có thể ảnh hưởng đến sự thuần khiết của những quan sát hiện tượng học, nhất quyết cơ bản mà chúng tôi muốn thực hiện. Nhà hiện tượng học đích thực cần nhất quán khiêm tốn. Ngay ở đây, với chúng tôi thì những tham chiếu đơn giản về năng lực hiện tượng học của việc đọc, và điều này biến người đọc thành một nhà thơ ở trong khuôn khổ hình ảnh được đọc lên, cũng đã xuất hiện một sắc thái tự mãn. Và chắc hẳn sẽ không hề khiêm tốn nếu khẳng định rằng năng lực đọc có thể tìm lại và làm sống lại năng lực sáng tạo được tổ chức và hoàn chỉnh, tác động vào toàn bộ bài thơ. Thậm chí còn ít hy vọng hơn khi cho rằng có thể đạt đến một môn hiện tượng học tổng hợp có thể thống trị toàn thể tác phẩm như một số nhà phân tâm vẫn tin. Vì thế mà chúng tôi “lưu lại” một cách hiện tượng học ở mức độ của những hình ảnh tách rời mà thôi.

Nhưng, chính cái tự mãn thoáng qua này, cái tự mãn yếu thế, cái tự mãn của việc đọc đơn giản, cái tự mãn nuôi dưỡng trong sự cô độc của việc đọc, mang dấu ấn hiện tượng học không thể chối cãi nếu ta giữ nó thật đơn giản. Hiện tượng học ở đây không có gì chung với nhà phê bình văn chương mà, như ta vẫn thường nhận xét, anh ta phán xét tác phẩm mà anh ta không thể làm, và thậm chí theo những lời chứng về sự kết án dễ dãi, tác phẩm mà anh ta không muốn tạo ra. Nhà phê bình nhất định là một người đọc nghiêm khắc. Khi ta lật ngược như lột bao tay một phức cảm, mà việc sử dụng quá mức từ này đã hạ thấp đến nỗi nó đã đi vào ngôn ngữ của chính trường, ta có thể nói rằng nhà phê bình văn chương, rằng người giáo sư tu từ học, luôn luôn biết, luôn luôn phán xét, đã biến cái phức cảm thành một đơn cảm tự tôn. Còn đối với ta, miệt mài trong niềm hạnh phúc của việc đọc, ta chỉ đọc và đọc lại những gì ta thích, với một sự tự mãn nhỏ nhoi trong việc đọc hòa chung với rất nhiều hứng khởi. Trong khi thông thường sự tự mãn phát triển thành một cảm xúc to lơn đè nặng lên trên toàn bộ tâm lý, tự mãn thoáng qua lại sinh ra từ sự gắn kết với một niềm vui của hình ảnh, nó kín đáo, bí ẩn. Nó ở trong ta, người đọc bình dị, cho ta và chỉ cho ta thôi. Đó là sự tự mãn trong phòng. Không có ai biết rằng khi đọc ta sống lại cám dỗ trở thành nhà thơ. Tất cả người đọc, dù chỉ đôi chút mê đọc, đều nuôi dưỡng và đè nén, trong việc đọc, cái ham muốn là nhà văn. Khi trang sách quá hay, sự khiêm tốn đè nén cái ham muốn đó. Nhưng cái ham muốn tái sinh. Rút cục, tất cả người đọc đọc lại một quyển sách yêu thích đều biết rằng những trang sách yêu mến đó liên quan tới anh ta. Jean-Pierre Richard ở Thơ và chiều sâu, trong số đó có hai nghiên cứu, một về Baudelaire, và một về Verlaine. Nghiên cứu về Baudelaire nổi bật hơn, vì Jean-Pierre Richard cho rằng tác phẩm của ông “liên quan tới chúng ta”. Đi từ nghiên cứu này đến cái kia, có sự khác biệt lớn về giọng văn. Verlaine không nhận được sự gắn kết hiện tượng học một cách toàn bộ, khác hẳn với Baudelaire. Và vẫn luôn như thế; ở một số quyển sách mà ta đồng cảm sâu sắc, thì ngay trong chính cái cách biểu đạt, ta vẫn là “một phần tham dự” vào đó. Trong quyển Titan, Jean-Paul Richter viết về nhân vật của mình: “Anh đọc những lời ca ngợi những vĩ nhân với tất cả sự vui thú giống như anh là đối tượng của những lời khen đó vậy”. Dẫu thế nào, cảm tình của việc đọc không tách rời khỏi một sự ngưỡng mộ. Ta có thể ngưỡng mộ ít hay nhiều, nhưng luôn là một động lực chân thành, một động lực nhỏ của sự ngưỡng mộ cần thiết để đón nhận phúc lợi hiện tượng học của hình ảnh thơ. Bất kì suy nghĩ phê phán nào đều chặn đứng đà tiến đó bằng cách đặt tinh thần vào vị trí phụ, điều này hủy hoại tính nguyên thủy của trí tưởng tượng. Trong sự ngưỡng mộ vượt ra khỏi tính bị động của thái độ chiêm nghiệm, có vẻ như niềm vui khi đọc là sự phản ánh của niềm vui khi viết, làm như thể người đọc chính là một bóng ma của người viết. Ít nhất, người đọc nhập vào cái niềm vui sáng tạo mà Bergson xem như dấu hiệu của sự sáng tạo. Ở đây, sự sáng tạo tự tạo ra trên sợi dây mảnh mai của một câu, trong cuộc đời ngắn ngủi của biểu đạt. Nhưng biểu đạt thơ ca, mặc dù không có sự tất yếu sống, vẫn là sức căng của cuộc đời. Nói lời hay là một phần của việc sống đẹp. Hình ảnh thơ là một sự nổi lên của ngôn ngữ, nó luôn cao hơn một chút ngôn ngữ năng biểu. Khi sống những bài thơ, ta có trải nghiệm cứu rỗi của sự nổi lên. Đây chắc chắn là sự nổi lên có tầm vóc nhỏ. Nhưng những sự nổi lên đó tự làm mới; thơ đặt ngôn ngữ trong trạng thái nổi lên. Cuộc sống tự xét mình ở đó qua tính sống động của nó. Những lực ngôn ngữ thoát ra khỏi đường thẳng thông thường của ngôn ngữ thực dụng, chúng là những hình ảnh thu nhỏ của lực sống. Một chủ nghĩa Bergson vi tế đã bỏ đi những đề thuyết của ngôn ngữ-công cụ để nhận lấy đề thuyết về ngôn ngữ – thực tại có lẽ tìm thấy được trong thơ những tư liệu về cuộc sống hoàn toàn hiện thực của ngôn ngữ.

Như thế, bên cạnh những xem xét về cuộc sống những từ ngữ theo cách chúng xuất hiện bên trong sự tiến hóa của một tiếng nói qua các thế kỉ, hình ảnh thơ trình bày cho ta, nói trong phong cách toán học, như một vi phân của lối tiến hóa này. Một câu thơ vĩ đại có thể có một ảnh hưởng lớn đến tâm hồn của tiếng nói. Nó thức tỉnh những hình ảnh bị xóa bỏ. Và cùng lúc nó phê chuẩn tính không định trước của ngôn lời. Làm cho ngôn lời có tính không định trước không phải là việc học tự do sao ? Thật quyến rũ khi thơ bỗng chơi đùa với kiểm duyệt ! Thế đó, Nghệ thuật thi ca định chế những giấy phép. Nhưng thơ ca đương đại đã đặt tự do vào trong cơ thể của ngôn ngữ. Thơ hiện ra như thế như một hiện tượng của tự do.

—–

Bài dịch có dùng các chữ việt mượn từ tập Thi học (không gian): một cuộc trò chuyện – AJAR