Thi học không gian - Gaston Bachelard (1957)
Dẫn nhập V-VI-VII-VIII

Dẫn nhập

(…)

V.

Như vậy, thậm chí ở mức độ của hình ảnh thơ biệt lập, đơn thuần trong sự biến chuyển của biểu đạt, tức câu thơ, sự âm vang hiện tượng học vẫn có thể xuất hiện; và trong sự giản đơn cực độ, nó mang cho ta quyền chủ thể với ngôn ngữ. Ở đây ta thật sự ở trước một hiện tượng nhỏ nhoi của ý thức phản chiếu. Hình ảnh thơ chính là sự biến tâm lý mang ít trách vụ nhất. Với hình ảnh thơ , công việc đi tìm lời biện minh trong trật tự của hiện thực cảm giác, cũng như việc xác định vị trí và vai trò trong bố cục bài thơ sẽ chỉ được xem như thứ yếu. Trong nghiên cứu đầu của hiện tượng học về trí tưởng tượng thơ ca, hình ảnh biệt lập, câu chữ đi từ nó, dòng thơ hoặc đôi khi điểm đứng nơi hình ảnh thơ phát ra, những thứ này tạo những không gian ngôn ngữ mà một môn phân giải – nơi chốn (topo-analyse) cần đào sâu. Đấy là cách mà J.-B. Pontalis nói về Michel Leiris như một “nhà thăm dò cô độc trong đường hầm ngôn ngữ”. Pontalis đã gọi rõ tên không gian dạng sợi xuyên qua bởi xung lực đơn giản của chữ thụ cảm. Nguyên tử luận của ngôn ngữ khái niệm đòi hỏi những nguyên do cố định, những lực tập trung. Nhưng câu thơ luôn là một chuyển động, hình ảnh chảy trong đường chữ, kéo theo trí tưởng tượng như thể trí tưởng tượng tạo ra một sợi thần kinh. Pontalis còn thêm vào một công thức đáng ghi nhận, xét như một chỉ dấu chắc chắn về một hiện tượng học biểu đạt: “Chủ thể nói là toàn chủ thể”. Và với ta điều này không còn là mâu thuẫn khi nói rằng chủ thể nói hoàn toàn ở trong một hình ảnh thơ, vì nếu nó không trao hết mình, nó sẽ không đi vào không gian thơ của hình ảnh. Rõ nét, hình ảnh thơ mang vào một trong những kinh nghiệm đơn giản nhất của ngôn ngữ được trải qua. Và nếu ta xem xét nó, như được đề xuất bên trên, xét như là nguồn gốc uy nguyên của ý thức, nó hẳn thuộc về một môn hiện tượng học.

Nếu phải đề ra một “trường phái” hiện tượng học, chắc hẳn ta sẽ tìm thấy những bài học rõ ràng nhất, những bài học căn bản qua hiện tượng thơ . Trong tác phẩm gần đây, J.H. Van den Berg viết rằng: “Nhà thơ và họa sĩ là những nhà hiện tượng học bẩm sinh.” Và ông nhận xét rằng sự vật “nói”, và vì thế ta có thể nối kết với sự vật nếu ta hoàn toàn tin lời vào nhận xét này. Van den Berg ghi thêm: “Ta trải nghiệm liên tục lời giải về những vấn đề không thể giải quyết của suy tư.” Qua câu văn của nhà bác học hiện tượng học Hà Lan này, triết gia có thể có sự khích lệ trong nghiên cứu xoay quanh chủ thể nói của mình.

 

VI.

Có lẽ trạng huống của môn hiện tượng học sẽ cụ thể hơn đối với cuộc truy tầm tâm lý học nếu chúng ta có thể làm rõ, đối với chủ đề những hình ảnh thơ, một lĩnh vực của sự thăng hoa thuần túy, một sự thăng hoa không thăng hoa gì, bỏ rơi trách vụ của đam mê, giải phóng khỏi lực đẩy ham muốn. Bằng cách đưa một sự tuyệt đối thăng hoa vào hình ảnh thơ, chúng tôi đặt cuộc rất nhiều vào nơi sắc thái đơn giản này. Nhưng chúng tôi có cảm giác rằng thơ có đầy rẫy những xác minh về sự thăng hoa tuyệt đối đó. Ta sẽ gặp nó thường xuyên trong suốt quyển sách này. Khi những bằng chứng được đưa ra, nhà tâm lý học, nhà phân tâm chỉ còn nhìn thấy trong hình ảnh thơ cái trò chơi đơn giản, trò chơi thoáng qua, trò chơi hoàn toàn phù du. Thực tế là những hình ảnh không có ý nghĩa với chính nó – không biểu đạt gì một cách riêng, không có nghĩa gì về tâm lý, không có nghĩa gì về phân tâm. Họ không đoán biết được rằng những hình ảnh như thế chính là ý nghĩa thơ ca. Nhưng thơ ở đó, với hàng nghìn hình ảnh của sự phát ra, những hình ảnh mà qua chúng, trí tưởng tượng sáng tạo ngự trị trong lĩnh vực riêng mình.

Đối với nhà hiện tượng học, việc đi tìm những thứ có trước của một hình ảnh, khi mà ta ở trong sự hiện hữu của hình ảnh, là một dấu ấn đặc thù của tâm lý luận. Thay vì thế, hãy nắm lấy hình ảnh trong sự tồn tại của nó. Ý thức thơ ca hoàn toàn hấp thu vào hình ảnh xuất hiện trong ngôn ngữ, ở bên trên ngôn ngữ thông dụng, với hình ảnh thơ, nó nói một ngôn ngữ mới mẻ đến độ ta không còn có thể xem xét rõ rệt những mối liên đới giữa quá khứ và hiện tại. Ta sẽ đưa ra những ví dụ về sau về đứt gãy ý nghĩa như thế, đứt gãy về cảm giác, về tình cảm, và hẳn rằng người ta sẽ phải công nhận rằng hình ảnh thơ là đặc tính của một tồn tại tươi mới.

Tồn tại tươi mới đó, chính là con người hạnh phúc.

Hạnh phúc trong ngôn lời, có nghĩa là bất hạnh trong thực tại, ngay lập tức nhà tâm lý học phản bác. Với anh ta, sự thăng hoa chỉ là một sự đền bù theo chiều dọc, một sự trốn thoát lên cao, cũng như sự đền bù là một sự trốn thoát bên lề. Và ngay tức khắc, nhà phân tâm rời bỏ nghiên cứu bản thể học của hình ảnh; anh đào lịch sử của con người; anh ta thấy, anh ta chỉ ra những đau khổ thầm kín của nhà thơ. Anh ta giải thích đóa hoa bởi phân bón.

Nhà hiện tượng học không đi xa đến thế. Với anh ta, hình ảnh ở đó, ngôn lời đang nói, lời của nhà thơ nói với anh ta. Không cần phải sống sự đau khổ của nhà thơ để hiểu hạnh phúc của ngôn lời dâng tặng bởi nhà thơ- hạnh phúc của lời đã thống trị chính bi kịch. Sự thăng hoa, trong thơ, vượt trên môn tâm lý học của tâm hồn bất hạnh trần gian. Đây là sự thật: thơ có một hạnh phúc riêng, dù nó có minh họa cho bi kịch nào đi nữa.

Sự thăng hoa thuần túy mà chúng tôi xem xét đặt ra một bi kịch về phương pháp, bởi vì hiển nhiên nhà hiện tượng học chắc không hiểu nhầm cái thực tại tâm lý học sâu thẳm của tiến trình thăng hoa mà nhà phân tâm nghiên cứu từ lâu. Nhưng ở đây cần vượt qua một cách hiện tượng học những hình ảnh mà ta không sống qua, để đến với những hình ảnh mà cuộc đời không chuẩn bị trước và được nhà thơ tạo ra. Tức là sống sự không trải qua đó và phơi mở mình với một lối mở của ngôn ngữ. Ta tìm thấy một kinh nghiệm như thế trong một số bài thơ hiếm hoi. Như một vài bài thơ của Pierre-Jean Jouve. Không có tác phẩm nào thấm nhuần những chiêm nghiệm phân tâm nhiều hơn những quyển sách của Pierre-Jean Jouve. Nhưng đôi lúc, thơ nơi ông có được ngọn lửa mạnh đến độ ta không còn cần sống trong cái nguồn gốc nguyên sơ nữa. Không phải ông đã nói rằng: “ Thơ không ngừng vượt qua nguồn gốc của nó, và vì nó chịu đựng sâu hơn trong sự bay bổng hay trong sầu muộn, nó giữ mình tự do hơn”. Và trang 112: “Tôi càng tiến sâu vào bên trong thời gian, thì hành động này lại càng được làm chủ, tách ra khỏi những nguyên do ngẫu nhiên để hướng đến hình thức thuần khiết của ngôn ngữ”. Có phải Pierre-Jean Jouve chấp nhận xem những “nguyên do” mà nhà phân tâm đưa ra như những nguyên nhân “ngẫu nhiên” ? Tôi không biết rõ. Nhưng trong vùng đất của “hình thức thuần khiết của ngôn ngữ” những nguyên do của nhà phân tâm không cho phép định trước hình ảnh thơ trong tính tươi mới của nó. Nó nhiều lắm là những “dịp ngẫu nhiên” của sự giải thoát. Và chính trong điều này mà thơ – ở thời đại thơ ca của ta – lại có tính “bất ngờ” một cách đặc thù. Những hình ảnh của nó không đoán định trước được. Toàn bộ phê bình văn học đều không nhận thức rõ rệt sự không định trước này, mà chính xác ở đó, nó lại xáo trộn những kế hoạch giải thích tâm lý thông thường. Nhưng nhà thơ tuyên bố rõ: “Thơ, nhất là trong vận động bất ngờ hiện nay, (chỉ có thể) tương ứng với những suy tư tập trung, tha thiết với cái chưa biết và cốt yếu mở ngỏ với biến chuyển”. Rồi ở trang 170: “Do vậy, cho thấy một định nghĩa mới cho nhà thơ. Đó là người biết, tức là kẻ siêu vượt, và kẻ gọi tên cái biết.” Cuối cùng là (trang 10): “Không có thơ nếu không có sáng tạo tuyệt đối.”

Thơ ca như thế thì cũng ít gặp. Phần lớn, thơ dính dáng nhiều với cảm xúc, bị tâm lý hóa nhiều hơn. Nhưng ở đây sự hiếm có, cái ngoại lệ không phải để xác nhận quy tắc chung, mà ngược lại phản bác và thiết lập chế độ mới. Thiếu đi vùng đất của sự thăng hoa tuyệt đối – dù hạn hẹp và cao xa như nào, mà thậm chí có lẽ nó ở ngoài tầm nhà tâm lý học hay phân tâm, suy cho cùng những người này không cần xem xét thơ ca thuần khiết – ta không thể nêu rõ tính phân cực chính xác của thơ.

Ta có thể lưỡng lự trong sự thiết định chính xác mặt phẳng đứt gãy, ta có thể cư lưu lâu dài trong lãnh địa của cảm xúc mơ hồ khuấy động thơ. Hơn nữa, độ cao mà từ đó tiếp cận sự thăng hoa thuần khiết hẳn không cùng chung mức độ đối với mọi tâm hồn. Ít nhất, sự cần thiết chia tách sự thăng hoa mà nhà phân tâm học xem xét và sự thăng hoa mà nhà hiện tượng học xem xét đối với thơ là một tất yếu về phương pháp. Nhà phân tâm học có thể nghiên cứu sâu sắc bản chất con người nhà thơ, nhưng anh ta không được chuẩn bị cho việc cư lưu bên trong lãnh địa đầy cảm xúc, cho việc nghiên cứu những hình ảnh thơ ca trong thực tại cao nhất của chúng. Hơn nữa C.G. Jung đã nói rõ về điều này: khi đi theo những thói quen phán đoán của nhà phân tâm, “mối quan tâm bỏ qua tác phẩm nghệ thuật để lạc lối trong sự hỗn độn chằng chịt những tâm lý có trước, và nhà thơ trở thành một trường hợp bệnh lý, một điển hình mang số xác định về psychopathia sexualis (tâm bệnh học tình dục). Như thế, phân tâm học về tác phẩm nghệ thuật rời xa đối tượng của nó, dịch chuyển cuộc thảo luận sang một địa hạt chung cho con người, không còn đặc thù với người nghệ sĩ, và nhất là không còn quan trọng với tác phẩm của anh ta nữa”.

Với mục đích đơn thuần tóm lại thảo luận này, cho phép chúng tôi thực hiện một việc có thể gây tranh cãi, dù chúng tôi thực sự không có thói quen này.

Người La mã đã nói về người đóng dép quá tự tin bên ngoài lĩnh vực của mình:

Ne sutor ultra crepidam

(Anh đóng dép, đừng xa hơn đôi dép)

Ở những trường hợp của sự thăng hoa tuyệt đối nơi cần phải xác định tồn tại riêng của thơ, nhà hiện tượng học phải chăng cần nói với nhà phân tâm:

Ne psuchor ultra uterum

(Nhà phân tâm, đừng xa hơn bụng)


VII.

Nói chung, khi một nghệ thuật trở nên tự chủ, nó có một khởi đầu mới. Vì vậy ta cần quan tâm xem xét khởi đầu đó trong tinh thần hiện tượng học. Về nguyên tắc, hiện tượng học xóa bỏ quá khứ và đối diện cái mới. Thậm chí ở môn nghệ thuật đòi hỏi kỹ thuật như hội họa, những thành tựu lớn đều xảy đến bên ngoài kỹ thuật. Jean Lescure nghiên cứu tác phẩm của họa sĩ Lapicque viết như thế: “Dù tác phẩm của ông minh chứng cho vốn văn hóa lớn và hiểu biết toàn thể về diễn đạt sống động về không gian, nhưng nó không là sự áp dụng, nó không tạo những công thức từ đó… Thế nên kiến thức phải đi kèm với một sự quên lãng ứng với kiến thức. Sự không-biết không phải là vô minh mà là một hành vi nhọc nhằn vượt lên sự biết. Đó là giá trị hướng đến, làm cho cứ mỗi khoảnh khắc, tác phẩm tựa như một khởi đầu thuần khiết, biến sáng tạo thành bài tập của tự do”. Đoạn văn vừa rồi cốt yếu với ta, vì tức thời nó chuyển vị vào trong môn hiện tượng học thi ca. Trong thơ, sự không-biết là điều kiện đầu; giả sử có một kỹ thuật nào nơi nhà thơ thì nó nằm trong trách vụ phụ của việc nối kết những hình ảnh. Nhưng cuộc sống hình ảnh hoàn toàn ở bên trong sự phù du của nó, trong việc một hình ảnh vượt qua tất cả những dữ kiện của cảm giác.

Ta thấy rõ vì sao tác phẩm có được sự nổi bật như thế, nó ở trên cuộc đời và cuộc đời không lý giải nó. Jean Lescure nói về họa sĩ (đã dẫn, trang 132): “Lapicque đòi hỏi hành động sáng tạo mang cho ông nhiều bất ngờ như cuộc đời.” Nghệ thuật do đó là sự nhân đôi của của đời, là sự tranh đua trong của những bất ngờ kích thích ý thức và ngăn nó ngủ quên. Lapique viết (dẫn lại bởi Lescure, trang 132): “Ví dụ nếu vẽ một khúc sông ở Auteuil, tôi mong bức tranh sẽ mang lại bao điều không đoán định, giống như một cuộc đua đích thực mà tôi xem, mặc dù so sánh này ở trong kiểu khác. Tranh không bao giờ là việc tái hiện trung thành một diễn cảnh đã thuộc về quá khứ. Mà phải sống lại hoàn toàn, theo một cách mới mẻ và hội họa, và như thế cho tôi cái khả thể của một cú sốc mới”. Và Lescure kết luận: “Nghệ sĩ không sáng tạo giống như anh ta sống, anh ta sống giống như sáng tạo”.

Như thế, họa sĩ ngày nay không còn xem hình ảnh như một sự thay thế đơn thuần của hiện thực cảm quan. Với những bông hồng mà Elstir vẽ, Proust đã từng nói rằng chúng là một “loại hồng mới mà họa sĩ, như kỹ sư lâm viên, đã làm giàu chi tộc Hoa hồng”.


VIII.

Tâm lý học cổ điển không mấy khi làm việc với hình ảnh thơ, thường nhầm nó với ẩn dụ đơn thuần. Mặt khác, nói chung, từ “hình ảnh” dễ gây nhầm lẫn trong sách tâm lý học: ta thấy những hình ảnh, ta tái sản những hình ảnh, ta giữ những hình ảnh trong ký ức. Hình ảnh có thể là bất thứ gì ngoại trừ sản phẩm trực tiếp của trí tưởng tượng. Trong quyển Vật chất và Ký ức của Bergson quan niệm hình ảnh mang nghĩa rất rộng, nhưng chỉ có một tham chiếu duy nhất (tr. 198) về trí tưởng tượng sản tạo. Sự sản tạo này vì thế vẫn là một hoạt động của tự do nhỏ nhoi, không liên quan gì mấy đến những hành vi tự do quan trọng soi sáng bởi triết học Bergson. Trong tiểu đoạn đó, triết gia nói về “trò chơi của ảo tượng”. Những hình ảnh đa dạng do đó đều là tất cả những “tự do mà tinh thần thỏa sức tạo với tự nhiên”. Nhưng tự do số nhiều ấy không ràng buộc tồn tại; chúng không tăng cường ngôn ngữ; chúng không đưa ngôn ngữ thoát khỏi vai trò vật dụng của mình. Chúng thật sự chỉ là những “trò chơi”. Cũng thế, trí tưởng tượng mới chỉ chớm long lanh kỷ niệm. Trong lĩnh vực của ký ức thơ hóa, Bergson hẳn là ở dưới Proust. Tự do mà tinh thần tạo với tự nhiên không thực sự nói về bản tính của tinh thần.

Ngược lại, chúng tôi đề xuất xem xét trí tưởng tượng như năng lực chính yếu của bản tính con người. Tất nhiên, ta không đi xa hơn khi bảo trí tưởng tượng là quan năng sản tạo hình ảnh. Nhưng sự trùng ngôn đó ít nhất cũng có tác dụng ngăn lại việc đồng hóa hình ảnh với kỷ niệm.

Trí tưởng tượng, trong hoạt động sống động của nó, tách ta ra khỏi quá khứ và thực tại. Nó mở về tương lai. Ngoài chức năng của cái thực, được đưa vào từ quả khứ, như được minh chứng qua tâm lý học cổ điển, cần thêm vào chức năng của cái không-thật cũng hoàn toàn thực chứng, như ta đã cố gắng nêu ra ở những quyển sách trước. Một tổn thương ở phương diện của cái không-thật sẽ cản trở sự sản tạo tâm lý. Làm sao đoán định mà không tưởng tượng ?

Nhưng nếu xét đơn giản hơn những vấn đề của trí tưởng tượng thơ ca, hẳn ta sẽ không thể đón nhận chút gì tâm lý của thơ mà không đồng thời làm việc với hai chức năng tâm lý con người: chức năng của cái thực và chức năng của cái không-thực. Một trị liệu thực sự về rythmanalyse ban tặng cho ta, qua thơ, xen lẫn cái thực và cái không-thực, nó kích hoạt ngôn ngữ qua hoạt động kép của sự biểu đạt và của thơ. Và trong thơ, sự dấn thân của tồn tại tưởng tượng rõ ràng đến mức nó không còn là một chủ thể thuần túy của động từ “tự thích nghi” nữa. Những điều kiện thực không còn quyết định. Với thơ, trí tưởng tượng đặt mình vào vùng biên ở chính nơi mà chức năng của cái không-thật quyến rũ hoặc làm lo lắng – và luôn đánh thức – cái tồn tại ngủ quên trong tính tự động của nó. Tính tự động lừa phỉnh nhất, tức tính tự động của ngôn ngữ sẽ ngừng vận hành khi ta bước vào lĩnh vực của sự thăng hoa thuần túy. Nhìn từ cao điểm của sự thăng hoa thuần túy, trí tưởng tượng tái sản không còn gì đáng nói. Jean-Paul Richter chẳng phải đã viết rằng: “Trí tưởng tượng tái sản là một câu văn của trí tưởng tượng sản tạo.”

(…)