Ước vọng một khu vườn

“Khu vườn xuất hiện với bước chuyển từ đời sống du mục sang định cư nông nghiệp của con người. Vườn (viên: 園) trong một số ngôn ngữ : garden (Anh), jardin (Pháp), hortus gardinus (Latin), paradeisos (Hy Lạp), pardēz (Ba Tư) đều mang theo nó một nghĩa cổ để chỉ hình ảnh một khu đất rào kín. Chính sự đóng kín hay hành vi định biên mới
là cấu trúc căn cơ để từ đó hiểu được ý nghĩa dự phóng ẩn ngầm của khu vườn. Và ngay ở nơi này mà khái niệm biên giới cần được quan niệm theo cách triết gia Heidegger đã diễn giải chữ πέρας của người Hy Lạp: biên giới được dựng lên không phải như sự kết thúc một thứ gì, mà từ đó một thế giới có thể mở ra. Bên trong biên giới đó, người ta thuần hóa, chế ngự, tái tạo thiên nhiên tuân theo những khát vọng của mình. Được các học giả Phục Hưng xem là thiên nhiên thứ ba (third kind of nature) so với loại thứ nhất là thiên nhiên hoang dã nơi ở của các vị thần và hay loại thứ hai chỉ cánh đồng thuần túy phục vụ sản xuất, vườn cảnh là nơi con người chiêm ngắm và suy niệm thiên nhiên thông qua hành vi mô phỏng và tái dựng lại tự nhiên dưới dạng một tiểu vũ trụ: mô phỏng reductio ad absurdum (quy giản phản lý) hay reductio ad perfectum (quy giản về sự hoàn hảo), như cách nói của Allen S. Weiss. Theo thế mà màu xanh cỏ cây trong những khu vườn văn nhân thời Phục Hưng là một đề thuyết về sự vĩnh hằng, nghệ thuật cắt tỉa cây cối ars topiaria nơi khu vườn Baroque kiểu Pháp là hình ảnh của một thiên nhiên được khai mở bằng lý tính của con người, còn cây hoang cỏ dại trong những khu vườn của Piet Oudolf hay Gilles Clément thời nay lại tiếp nối truyền thống vườn “tự nhiên” kiểu Anh khi gợi về bóng dáng quá khứ hoang sơ lý tưởng có lẽ chưa bao giờ có thật, song cũng có thể là hình ảnh của một thế giới đã vắng bóng con người.
Suy tư về vườn cảnh cũng là suy tư về sự cư lưu của chúng ta. Ở đó hành vi “làm vườn”, vọng âm với sự chăm lo (care) được phát triển bởi Heidegger, có thể chất vấn và gợi mở về một khả năng hòa giải, một thể điệu tồn tại (mode of being) trong thế giới khả dĩ của chúng ta. Trong địa hạt kiến trúc, những suy tư này còn có thể giúp xóa nhòa sự phân biệt truyền thống giữa thiết kế và xây dựng, quan niệm chủ lưu và thống trị ngành kiến trúc kể từ thời Phục hưng. Từ góc nhìn này, khu vườn truy vấn chính quan niệm vẫn xem kiến trúc như một sự áp đặt được xác định trước.”