Cézanne

D. H. Lawrence

Nhabe Scholae chuyển dịch

Sự thật là với Cézanne thì nghệ thuật hiện đại Pháp mới dấn những bước nhỏ về với cái chân thể, bản thể khách quan, nếu có thể nói là vậy. Đất của Van Gogh vẫn là một thứ đất chủ quan, là chính ông phóng chiếu vào đất. Còn quả táo của Cézanne là những nỗ lực đích thực để cho quả táo tồn tại trong chính thực thể riêng biệt của nó mà không truyền vào nó những cảm xúc cá nhân. Nỗ lực lớn lao của Cézanne, có thể nói, là đã đẩy quả táo ra xa khỏi ông, và để nó sống như chính nó. Dường như chỉ là một vận tác nhỏ nhặt: nhưng đó là chỉ dấu thật đầu tiên mà con người đã từng làm trong suốt mấy nghìn năm, rằng anh ta sẵn lòng thừa nhận rằng sự vật thực tồn tại…

Cézanne đã cảm được điều đó trong màu sơn, khi ông cảm-thấy quả táo. Đột nhiên ông cảm nhận được cái bạo tàn của tâm trí, cái trắng xoã, xói mòn, ngạo mạn của tinh thần, của tâm thức, của bản ngã đóng kín trong tầng trời thiên thanh tự tạo. Ông cảm thấy nhà tù xanh thẳm ấy. Và rồi một cơn xung đột lớn mạnh khởi lên bên trong. Ông đã bị chế ngự bởi cái tâm thức cũ kỹ của mình, dẫu vậy ông vẫn hết thảy muốn thoát khỏi sự cai trị này…

Ông đã muốn vẽ người khác bằng trực giác và bản năng, ông không thể làm được. Những ý niệm của tâm thức thúc lên trước, và ông sẽ không vẽ chúng – chúng thuần những biểu tượng về thứ gì mà tâm trí tiếp nhận, chẳng phải thứ gì trực giác góp nhặt– và những khái niệm tinh thần khiến ông không thể trực nhận mà vẽ: chúng len lỏi mọi lúc, thành thử ông lại đi vẽ những xung đột và những thất bại của bản thân, và kết quả hầu như là ngớ ngẩn.

Đàn bà, ông không cho phép mình hiểu bằng trực nhận: cái tôi của tâm trí, bản ngã, con quỷ thiếu máu ấy cấm ông làm vậy. Đàn ông, những người đàn ông khác, ông cũng không được phép hiểu vậy – ngoại trừ vài người, một vài cái chạm. Tương tự, ông cũng không được phép hiểu đất: phong cảnh của ông hầu hết đều là hành vi phản kháng lại cái ý niệm tinh thần về phong cảnh. Đánh vật hết bốn mươi năm, rút cuộc ông đã hiểu một quả táo trọn vẹn; và gần trọn hiểu, một hai hũ bếp. Thảy là tất cả những gì ông thành tựu.

Sự này vẻ như ít ỏi, và ông chết trong cay đắng. Nhưng mọi sự đều cần khởi đầu, và quả táo của Cézanne thật sự đáng kể, còn hơn cả Ý Niệm của Plato. Quả táo của Cézanne đã đẩy hòn đá khỏi cửa hang mộ, và dẫu cho Cézanne khốn khổ không thể cởi bỏ thứ khăn liệm và vải bọc dệt bởi tâm thức mà phải nằm yên trong mộ phần tới chết, dẫu thế ông vẫn trao lại cơ hội cho chúng ta.…

Bản năng và trực giác của chúng ta đã chết, chúng ta sống quẩn quanh với những vải liệm trừu tượng. Và cứ gì là chắc chắn mà chạm vào cũng đủ làm ta đau đớn …

Thế nên quả táo của Cézanne là sự xâm phạm. Khiến người ta đau đớn thành tiếng. Và chỉ khi những môn đồ của ông lại biến ông thành trừu tượng thì ông mới được người đời đón nhận. Và rồi những phê bình gia bước ra và trừu tượng hóa quả táo đẹp đẽ của ông thành một Hình Thức Biểu Nghĩa, và từ đây Cézanne được cứu vớt. Cứu vớt vì dân chủ. An toàn đặt lại vào hang, hòn đá lăn ngược về chỗ cũ. Cuộc phục sinh lại trì hoãn thêm…

Nhân vật đáng chú ý nhất trong nghệ thuật hiện đại, và là nhân vật duy nhất thực sự đáng chú ý, là Cézanne: đó đa phần không vì thành tựu mà vì những cuộc đấu tranh của ông…

Cézanne có chút ngây thơ , nhưng ông không ngu ngốc. Ông thà làm một kẻ tầm thường, vinh quang đối với ông là quá sức chịu đựng. Thế mà, điều mạnh mẽ hơn cả trong ông là một ngọn lửa nhỏ của đời sống nơi ông cảm thấy mọi sự được là thật. Ông không phản bội mình để đổi lấy thành công, bởi vì ông không thể: với tính tình ông, đó là bất khả: ông quá thuần khiết để phản bội lại ngọn lửa nhỏ trong mình vì cái lợi nhất thời. Có lẽ đó là lời tốt nhất ta có thể nói về một người, và nó đặt Cézanne, dẫu ông có nhỏ bé và tầm thường thế nào, ngang hàng các anh hùng. Ông không bao giờ từ bỏ trí tưởng tượng đầy sức sống của mình.

…Tôi nhận thấy những nhà khoa học, cũng như nghệ sĩ, chỉ quả quyết với những điều mà tâm trí họ chắc chắn là thế mà thực tế là tự mạn, nhưng cũng chính thứ ấy mà họ lại quá ích kỉ và huênh hoang để tin chắc bằng trực giác và bản năng. Khi tôi thấy đàn ông hay phụ nữ tin chắc thứ gì bằng trực giác và bản năng, thì tôi một lòng kính trọng. Còn những ba hoa về khoa học, nghệ thuật, thì làm sao mà tôn trọng được ? Sự xâm nhập của những yếu tố vị kỷ làm chứng cho một sự bất xác về trực giác. Không ai tin chắc vào trực giác và bản năng mà đi ba hoa, và tuy thế, kẻ ấy vẫn dốc hết sức cho niềm tin của mình.

Điều này mang chúng ta về với Cézanne, vì sao ông không thể vẽ, và vì sao ông không thể vẽ ra các tuyệt tác baroque. Đơn giản là vì ông là thật, và ông chỉ có thể tin vào cách biểu hiện của riêng ông khi nó thể hiện một khoảnh khắc của cái toàn vẹn của ý thức trong ông. Ông không thể bán thân dẫu chỉ là một phần nhỏ, cho thứ khác. Ông không thể nào thủ dâm trong màu sơn lẫn ngôn từ. Việc này nói lên một điều hết sức hệ trọng trong thời này ; thời đại hoàng kim của việc thủ dâm ý thức, khi mà tâm trí bán dâm cái cơ thể phản hồi nhạy cảm, và ép nó sản xuất những phản ứng. Ý thức thủ dâm sản sinh ra đủ các loại phẩm mới lạ, hứng thú chốc lát, và rồi chết hẳn. Nó chẳng làm nổi một phát biểu tươi mới và chân thành.

Ta nên biết ơn Cézanne không phải ở sự nhún nhường, mà ở khí độ nơi ông, cái hãnh tiết cao viễn đã từ chối chấp nhận những phát biểu hời hợt từ cái tôi tâm thức dễ dãi. Tâm hồn ông không nghèo nàn tới mức để cho sự hời hợt xâm lấn – cũng không khiêm hạ tới mức mà hài lòng với những khuôn sáo thị giác và cảm xúc. Li kì như những gì cổ sư baroque đã gây ra cho mình, ông nhận ra rằng ngay khi ông lặp lại họ, rằng ông sẽ chỉ sản xuất không gì ngoài những rập khuôn…

Giai đoạn đầu trong sự nghiệp họa sĩ của Cézanne là giai đoạn chiến đấu với những khuôn sáo của chính ông. Ý thức của ông mong đợi một sự tác thành khác. Và tâm trí định sẵn luôn hồi đưa cho ông những cách thể hiện đã định sẵn. Và Cézanne, thâm tâm quá đỗi tự cao và ngạo mạn, đã không thể chấp nhận những khuôn sáo từ tâm thức ; chúng chất đầy ký ức, và dường như nhạo ông trên bức toan, nên ông dành trọn thời gian chỉ để đập cho vỡ vụn những hình thức của riêng mình. Với một nghệ sĩ đích thực và với một trí tưởng tượng sống động, sáo ngữ là tử thù. Cézanne đã chua xót chiến đấu với nó. Ngàn lần đập nát nó. Ấy vậy nó vẫn tái xuất.

Bây giờ, ta đã hiểu tại sao tranh của Cézanne lại tệ như thế. Nó tệ vì nó tái hiện một sáo ngữ đã bị đập phá, đánh gục tàn tạ. Nếu Cézanne đã vừa lòng chấp nhận những khuôn sáo mòn baroque, thì tranh ông hẳn đã hoàn toàn “ổn” như lẽ thường, và phê bình gia sẽ chẳng có gì để nói. Nhưng khi tranh ông ổn như bao người, điều này với Cézanne thật sai quá . Nó là sáo ngữ. Nên ông xông lên phá bỏ mọi những hình thức và những nhồi nhét bên trong, và khi nó bị phá cho hư hoại và ông kiệt sức, thì ông từ bỏ; cay đắng thay, đấy vẫn chưa phải thứ ông muốn. Và từ đó xuất hiện yếu tố hài hước trong tranh Cézanne. Xung nộ với cái sáo ngữ bóp méo sáo ngữ thành giễu nhại, như ta thấy trong La Pasha và La Femme. “Mày sẽ rập khuôn chứ gì?”, ông đay nghiến, “Thế thì cứ vậy đi!”. Rồi ông thúc nó vào một trận điên cuồng trầm trọng hóa sanh thành trò giễu nhại. Và chính cơn sôi sục ấy đã giữ trò nhại cho còn chút vui ; nhưng tiếng cười chỉ được vài lâu.

Trận đập phá sáo ngữ này trải dài suốt đời Cézanne: thật vậy, nó đi bên ông tận cuối đời. Cách ông cứ vẽ mãi các hình thức ấy là thái độ căng bức mà ông xử trí với bóng ma sáo rỗng của mình, chôn nó xuống đất. Rồi khi nó như biến mất trong hình thức của ông, thí nó lại gá vào bố cục, và ông lại phải tiếp tục chiến đấu với những đường nét và viền bao để chôn vùi bóng ma ở đấy! Chỉ riêng màu sắc của mình là ông biết chúng không sáo mòn. Ông chừa lại để cho những môn đệ phán chúng thành như vậy.

Trong những bức tranh tuyệt nhất của ông, các bức tĩnh vật đẹp nhất, mà với tôi là thành tựu vĩ đại nhất của Cézanne, trong ấy cuộc đấu tranh với sáo ngữ vẫn tiếp diễn. Nhưng chính trong những tranh tĩnh vật mà ông ngộ được phương pháp tối hậu để tránh đi cái sáo ngữ: cứ để lại những khoảng hờ để chúng tự ngã vào hư không. Vậy nên phong cảnh của ông thành tựu.

Nghệ thuật của ông, suốt đời ông, cuốn vào trong hai nếp vận động. Ông muốn truyền tải một điều gì đó, và trước khi làm được ông còn phải chiến đấu với con rắn Hydras sáo ngữ mà ông không thể chém bỏ thủ cấp cuối cùng. Thứ hiển nhiên dễ thấy nhất trong tranh ông chính là cuộc chiến với cái sáo ngữ này. Tro tàn trận chiến phủ dày, vụn bay tứ tung. Và chính những lớp tro và mảnh vụn này mà những kẻ bắt chước ông vẫn đang nhiệt thành làm theo. Nếu ta đưa một chiếc áo cho người thợ may Trung Quốc để chép theo, và tình cờ chiếc áo ấy có một vết vá, người thợ may sẽ tỉ mỉ xé một vệt trên áo mới và vá hệt như mẫu cũ. Dường như đây là nghề chính của những môn đồ Cézanne, ở đâu cũng thế. Họ miệt mài tái tạo bắt chước những sai lầm. Ông phóng ra các chất nổ trong tranh để bung phá thành lũy sáo ngữ, rồi những môn đồ tạo ra những tràng pháo hoa bắt chước vụ nổ ấy mà không có lấy chút ý niệm gì về trận công kích thực sự. Chúng quả là những cuộc công kích vào sự tái hiện, tái hiện-như-thật : bởi vì vụ nổ trong tranh của Cézanne đã nổ tung chúng. Nhưng tôi tin rằng những gì Cézanne muốn chính là sự tái hiện. Ông muốn cái tái hiện chân-thật-với-đời-sống. Chỉ vì ông muốn nó chân thật hơn nữa với đời sống. Và một khi ta đã có nhiếp ảnh, thật sự khó, rất khó để làm cho sự tái hiện chân thật hơn với đời sống: lẽ ra nó đã phải như vậy.

Cézanne là nhà duy thực, và ông muốn chân thật với đời sống. Nhưng ông sẽ không hài lòng với cái sáo ngữ quang học. Với những người phái ấn tượng, cái nhìn quang học thuần tuý đã tự hoàn thiện chính nó và ngay đó làm một với sáo ngữ, một tốc độ sửng sốt. Cézanne đã nhìn thấy điều này. Các hoạ sĩ như Courbet và Daumier không thuần túy theo quang học, nhưng các yếu tố khác trong tranh của hai hoạ sĩ này, yếu tố trí tuệ, thì lại là sáo ngữ. Đối với cái nhìn quang học họ đã thêm vào khái niệm về cái áp-lực, gần như phanh thuỷ lực, và khái niệm áp-lực này mang tính cơ học, một sáo ngữ, hiện vẫn còn phổ biến. Rồi Daumier thêm vào tinh thần châm biếm, Courbet tạo thêm một chút như kiểu xã hội chủ nghĩa: cả hai đều sáo rỗng và thiếu sáng tạo.

Cézanne muốn gì đó không thuộc về quang học lẫn cơ giới lẫn trí tuệ. Và để du nhập vào thế giới thị giác của ta một thứ gì đó vừa phi quang học, vừa phi cơ giới lẫn phi tâm lý-trí tuệ, thì cần một cuộc cách mạng thực sự. Đó là cuộc cách mạng mà Cézanne đã bắt đầu, nhưng dường như chẳng ai có thể tiếp bước.

Ông muốn một lần nữa chạm vào thế giới của bản thể bằng cái trực chạm, nhận thức về nó bằng cái trực nhận, và thể hiện nó một cách trực tiếp. Theo đó, ông muốn đào thải cái thể điệu ý thức thị giác – tinh thần hiện có của ta, ý thức về khái niệm tinh thần, để thay bằng một thể điệu ý thức vượt trội về trực giác, nhận thức về xúc chạm. Tích xưa, người tiền sử vẽ bằng trực giác, nhưng hướng về hình thức ý niệm, tinh thần-thị giác của ý thức của chúng ta thời nay. Họ đã rời xa khỏi chính trực giác của mình. Nhân loại chưa bao giờ có thể tin lấy cái trực nhận của ý thức, và cái quyết định chấp nhận chân lý ấy đánh dấu một cuộc cách mạng rất lớn trong quá trình phát triển của loài người.

Ấy vậy, vì không biết đến điều đó mà Cézanne, con người bình thường nhỏ bé và rụt rè yên vị sau lưng người vợ, người chị và vị cha xứ Dòng Tên, lại là một nhà cách mạng thuần túy. Khi ông nói với người mẫu: “Hãy là quả táo! Như quả táo!” là ông đang thốt lên lời tựa cho cuộc tàn lụi không chỉ của người Dòng Tên lẫn người duy tâm Cơ Đốc, mà cho cả sự sụp đổ toàn bộ cách vận hành của ý thức ta, để thay thế bằng một đường hướng khác. Nếu loài người chủ yếu sẽ trở thành quả táo, với Cézanne hẳn đã là thế, thì ta sẽ có một thế giới nhân loại mới : một thế giới có rất ít thứ để nói, những con người có thể ngồi yên một chỗ và chỉ hiện hữu ở đó, và thực sự phi-luân. Đó là ý của Cézanne khi nói câu: “Hãy là quả táo!” Ông biết chắc chắn rằng ngay lúc người mẫu bắt đầu đưa cá tính và “tinh thần” của cô ta vào, nó sẽ lại sáo rỗng và luân lý, và ông sẽ phải vẽ cái sáo ngữ. Phần duy nhất của cô mà vẫn không tầm thường, ad nauseam vì đã được biết, không sống rập khuôn, phần duy nhất của cô mà không sáo rỗng chính là tính chất táo của cô. Cơ thể cô, ngay cả chính giới tính của cô, đã là cái đã biết đến phát mửa: connu, connu (biết rồi , biết rồi)! Một chuỗi bất tận những nhân-quả đã biết, mạng lưới vô tận của cái sáo ngữ đáng ghét đã phủ lên thảy thảy chúng ta trọn nỗi chán chường. Ông biết hết tất cả, ông ghét hết tất cả, ông từ khước hết tất cả, con người nhỏ bé, rụt rè và “khiêm tốn” này. Ông biết, như một người nghệ sĩ, rằng phần nhỏ bé duy nhất của một người phụ nữ thời nay thoát khỏi cái sáo ngữ làm-sẵn và biết-sẵn là phần quả táo của cô ấy. Chao ôi, hãy là một quả táo, và đừng nghĩ gì nữa, vứt đi tất cả cảm xúc, toàn bộ tâm trí và nhân cách, cái mà chúng ta đã biết hết cả và tự thấy nhàm chán chẳng thể chịu nổi. Bỏ lại hết – và hãy là một quả táo! Chính cái tính chất táo trong chân dung người vợ của Cézanne đã khiến nó mãi thu hút : cái tính chất táo ấy cũng mang theo mình cảm giác biết được phía còn lại, phía ta không thấy, phía ẩn bên kia mặt trăng. Vì thông giác trực cảm về quả táo là nhận thức quá đỗi hữu hình về quả táo, đến nỗi nó nhận thức mọi mặt xung quanh của quả táo, mà không chỉ mặt trước. Con mắt chỉ nhìn thấy mặt trước, và tinh thần nói chung thì mãn nguyện với mặt trước. Nhưng trực giác cần cái toàn bộ-xung quanh, và bản năng cần cái bên trong. Trí tưởng tượng đích thực là thứ luôn mãi vòng đến phía kia, phía sau vẻ ngoài trình diện.

Vì vậy, theo ý tôi chân dung Bà Cézanne, cụ thể là chân dung mặc đầm đỏ, là thú vị hơn bức chân dung Ông Geffroy, hay chân dung bác quản gia cũng như người làm vườn. Cũng thế, bức Hội Chơi Bài (Card-Players) với hai người thì thú hơn với bốn người.

Nhưng chúng ta phải nhớ rằng, trong những tranh vẽ người của ông, khi ông đang vẽ tính chất táo thì ông cũng chủ đích để vẽ ra cái gọi là con người, cái tính cách, cái “giống”, cái sáo ngữ vật lý. Ông đã chủ ý vẽ nó ra, cố ý vẽ tay và mặt thật thô, cứ thế nối tiếp, bởi nếu ông vẽ trọn chúng, thì chúng hẳn sẽ thành sáo ngữ. Ông không bao giờ vượt khỏi mẫu số são ngữ, khỏi sự xâm nhập và can thiệp của ý niệm làm-sẵn, trong trường hợp của con người, với đàn ông và phụ nữ. Đặc biệt đối với phụ nữ, ông chỉ có thể đáp lời sáo rỗng–điều này khiến ông giận điên. Gắng đến mấy thì với ông, phụ nữ vẫn luôn là một đối tượng sáo rỗng làm-sẵn, đã biết, và ông không thể nào xuyên qua ám ảnh ý niệm mà trực nhận về người ta. Vợ ông là ngoại lệ – và ở bà chí ít nhất ông đã biết được tính chất táo. Nhưng với bác quản gia, thế nào đó ông lại thất bại. Bà ta có chút sáo rỗng, nhất là khuôn mặt. Và Ông Geffroy cũng thế.

Với đàn ông, Cézanne thường tránh đi bằng cách tập trung vào quần áo, đó là thớ áo choàng cứng gấp thành nếp dày, những chiếc mũ, những áo blouse trắng, những bức rèm. Một trong số bức Hội Chơi Bài, bức vẽ lớn với bốn người, trông chỉ rặt là vặt vãnh tầm thường, vốn dành quá sức để tô vẽ đồ đạc, tô vẽ quần áo, và tính người thì hơi sáo mòn. Chẳng màu sắc đẹp, không bố cục khéo, không “mảng” màu, không bất cứ gì cứu được một cảm xúc sáo rỗng cho khỏi thành một cảm xúc sáo rỗng, dẫu hẳn chúng có tô sức và khiến nó thú vị hơn.

Nơi mà thi thoảng Cézanne thực thoát khỏi toàn bộ sáo ngữ, và thực sự đưa ra một diễn giải trực giác về sự vật hiện thực, chính là trong tranh tĩnh vật. Theo tôi, những cảnh tĩnh vật đẹp đẽ ấy là biểu tượng thuần thúy và khá thật với đời sống. Ở đây Cézanne làm được điều ông đã luôn muốn : ông khiến sự vật như có thực, ông không cố ý bỏ sót bất kỳ điều gì, vậy mà ông cho ta một thị kiến trực nhận phong phú và rỡ ràng về một vài quả táo và hũ bếp. Rút cuộc, ý thức trực giác của ông khải hoàn và cất tiếng. Ở đây ông không thể bị bắt chước. Những kẻ sao chép bắt chước những vật dụng trên khăn bàn, gập như đồ thiếc, vân vân – tức phần không thực trong tranh của ông – nhưng họ không bắt chước quả táo và cái nồi, vì họ không thể. Đó là tính chất táo thực sự, và ta không thể sao chép. Mỗi người phải tự mình sáng tạo nó ra như mới và khác biệt từ trong chính bản thân họ: như mới và khác biệt. Ngay lúc nó “giống như” Cézanne, nó chẳng là gì cả.

Nhưng trong khi Cézanne tung hô chiến thắng cùng với táo và tính chất táo, thì ông vẫn chiến đấu với sáo ngữ. Khi ông vẽ Bà Cézanne tĩnh tại nhất, như quả táo nhất, ông đã khởi sự làm cho vũ trụ trườn quanh bà. Đó là một phần khát khao của ông: khiến dáng hình con người, dáng hình của sự sống phải ngừng lại. Trái ngược với nó – cái không tĩnh tại. Di động nhưng có ngưng đọng. Đồng thời ông đưa thế giới bất động vào vận động. Những bức tường rung giật và thả lướt, những chiếc ghế gập xuống hay ngửa lên, những lụa là cuộn tròn như giấy cháy. Cézanne làm như vậy một phần để thỏa mãn cái cảm giác trực nhận của ông rằng không có gì thực là đứng yên tĩnh tại –cảm giác dường như rất mạnh nơi ông –như khi ông ngắm quả chanh vàng nhăn lại và dần mốc trong nhóm tĩnh vật của mình, ông đã để mặc chúng ở đó quá lâu để có thể thấy dòng chảy dần chuyển ấy: và một phần để chống lại sáo ngữ, nó nói rằng thế giới vô tri là tĩnh tại, và bức tường kia là đứng yên. Trong cuộc chống lại cái sáo ngữ, ông phủ nhận bức tường là đứng yên và chiếc ghế là tĩnh tại. Trong bản ngã trực giác của mình, ông cảm-thông được chúng thay đổi.

Hai hoạt động ý thức này của ông cũng dự vào những tranh phong cảnh về sau. Trong những bức phong cảnh kiệt tác nhất, ta bị hút vào sự chuyển dịch thần bí trong cảnh vật; nó chuyển đảo khi ta đang ngắm nó. Và ta ngỡ ngàng nhận ra rằng phong cảnh này mới thật như thế nào với trực giác. Nó không hề đứng yên. Nó mang linh khí dị thường, và ngay trước tri giác bằng đôi mắt mở to của ta, nó thay đổi như con vật sống khi ta ngắm nó. Đấy là sự tài tình mà đôi khi Cézanne đã phi thường đạt được.

Và rồi, trong những bức tranh khác, dường như ông lại nói : Phong cảnh không phải như thế này, không phải như thế kia, không phải như thế nọ…v.v. – và mỗi tiếng không tương ứng với một khoảng trống trên tranh lại định hình bởi phần còn lại của câu. Đôi khi Cézanne dựng hẳn một phong cảnh từ những thiếu sót bỏ ngỏ. Ông đính viền lên cái trống rỗng rối mù của sáo ngữ, có thể nói là vậy, rồi tặng cho ta. Nó thú vị trong cách nó khước từ, nhưng đấy chẳng phải là suy tư gì mới. Tính chất táo, trực giác đã mất rồi. Ta còn lại sự từ khước của tinh thần. Việc này thường xảy ra với các bức hậu kì: và các phê bình gia mê mệt với nó.

Và Cézanne đã trở nên cay nghiệt. Ông đã không còn có thể, từ đó đến cuối đời, phá xuyên tấm kính chắn kinh tởm của ý niệm tinh thần, tới cái chạm thực vào đời sống. Trong hội họa ông đã chạm vào được quả táo, và riêng điều này là rất đáng kể. Ông đã trực biết được những quả táo và cũng bằng trực giác đã mang nó hiện ra trên cái cây đời ông trong màu sơn. Nhưng gặp thứ gì khác quả táo, như phong cảnh, như con người và hơn hết là phụ nữ khỏa thân, thì cái sáo ngữ đã thắng lấy ông. Nó đã thắng lấy ông, và ông trở nên cay nghiệt, hận con người. Làm sao mà không hận loài người, khi cả đàn ông lẫn phụ nữ đều chỉ là những sáo ngữ với ta và ta ghét khuôn sáo ? Con người ta phần đông đều ưa những khuôn mẫu – bởi vì phần đông mọi người đều khuôn sáo. Dẫu vậy, có lẽ tính chất táo vẫn có nhiều trong con người, thậm chí cả phụ nữ khỏa thân, hơn là Cézanne đã có thể có. Cái sáo ngữ ép buộc ông, nên ông đành trừu tượng khỏi nó. Những tranh phong cảnh màu nước vào cuối đời chỉ là những trừu tượng khỏi sáo ngữ. Chúng trống không, chỉ có một vài loại viền màu điểm xuyến. Khoảng trống là hư vô, là lời tối hậu của Cézanne chống lại cái sáo ngữ. Nó là hư vô, và nét viền ở đó để khẳng định cái rỗng không ấy.

Chính việc rằng ta có thể dựng lại hầu như lập tức cả một quang cảnh chỉ từ vài ngụ ý mà Cézanne để lại, nói lên rằng một phong cảnh thật sự khuôn sáo thế nào, cách mà nó đã tồn tại sẵn, làm ra sẵn trong tâm trí của ta, cách nó tồn tại trong các ngăn kéo của ý thức, có thể nói như vậy, và ta chỉ cần có số để lấy nó ra trọn vẹn. Những phong cảnh màu nước cuối đời của Cézanne, được vẽ chỉ bằng một vài cái chạm trên giấy trắng, là cơn giễu nhại toàn cuộc lên toàn bộ phong cảnh. Chúng để lại quá nhiều điều cho trí tưởng tượng! – câu nói sáo bất hủ ấy, có nghĩa nó để lại đầu mối cho sáo ngữ, và sáo ngữ đến. Đó là lý do sáo ngữ tồn tại. Và sự tưởng tượng như vậy chỉ là mớ kí ức tạp nham chứa những phác thảo, hình ảnh vô nghĩa ngàn đời cũ kĩ, .v.v.. những sáo ngữ.

Chúng ta có thể thấy một cuộc chiến có ý nghĩa gì, cuộc tẩu thoát khỏi sự thống trị của khái niệm tinh thần đã sẵn có, cái ý thức tinh thần chứa đầy những sáo ngữ đã xen như bức màn bao trọn giữa ta và đời sống. Nó nói đây là một cuộc chiến dài dai dẳng, có lẽ là mãi mãi. Nhưng Cézanne đã đi được tới quả táo. Tôi không thể nghĩ ra ai đó đã làm được gì khác.

1929