Mắt của Da

Sau các phản hồi tích cực từ bạn bè, chúng tôi đã quyết định đi tiếp dự án dịch thuật quyển The Eyes of Skin, nay xin gửi lời kêu gọi đến những người bạn đã quan tâm đến thực hành của Nhabe Scholae trong thời gian qua.
Ấn bản Mắt của Da – từ nguyên tác “The Eyes of Skin”- do Nhabe Scholae chuyển ngữ sẽ được phát hành giới hạn. So với bản pdf trước đây có nhiều phần được biên tập lại và nhuận sắc. Các bạn muốn nhận ấn bản xin vui lòng điền vào form ở dưới cho đến ngày 20/08/2022. Chúng tôi sẽ cố gắng gửi đi sớm nhất có thể.
—-
Mắt của Da (The Eyes of Skin), Pallasmaa
Nhabe Scholae chuyển ngữ.

Dẫn nhập cho lần xuất bản thứ ba

Quyển sách nhỏ Mắt của Da: Kiến Trúc và Giác Quan được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1996 trong loạt sách “Polemics” của Academy Editions, London. Ban biên tập mời tôi viết một bài luận mở rộng dài 32 trang về một chủ đề mà tôi cho là quan yếu trong diễn ngôn kiến trúc của thời đại. Những ý tưởng cơ bản trong phần hai của bản thảo được rút ra từ một bài luận có tên là “An Architecture of the Seven Senses” (Kiến Trúc của Bảy Giác Quan), đăng trên số đặc biệt tháng Bảy năm 1994 của tạp chí A+U mang tựa đề Questions of Perception, vốn là chuyên khảo về công trình kiến trúc của Steven Holl, trong đó có cả những bài luận của chính Holl và Alberto Pérez-Gómez. Bài giảng ngay sau đó của tôi ở hội thảo về hiện tượng luận kiến trúc tại Viện Hàn Lâm Mỹ Thuật Hoàng Gia Đan Mạch, trong đó cả ba tác giả của Questions of Perception đều trình bày, đã cung cấp những luận điểm nền tảng và các tham chiếu cho phần đầu của quyển sách này. Tôi khá ngạc nhiên trước sự đón nhận rất tích cực với quyển sách nhỏ này, và việc nó trở thành tài liệu phải đọc trong các khóa học lý thuyết kiến trúc của nhiều trường kiến trúc trên thế giới. Bài luận gây tranh cãi này ban đầu dựa trên những tư biện, góc nhìn và trải nghiệm của cá nhân tôi. Tôi chỉ đơn thuần trở nên quan tâm hơn tới sự thống trị của thị giác và sự đè nén các giác quan khác trong cách thức giảng dạy, tiếp nhận và phê bình kiến trúc, cùng với hậu quả là sự biến mất của các phẩm chất nhục cảm trong kiến trúc. Suốt trong những năm tôi viết quyển sách này, mối quan tâm đến tầm quan trọng của cảm giác, cả về mặt triết học lẫn về mặt trải nghiệm, giảng dạy và tạo tác kiến trúc, đã có những bước phát triển quan trọng. Những luận đề của tôi về vai trò của cơ thể như lãnh địa của tri giác, suy tư và nhận thức, cũng như tầm quan trọng của các giác quan trong việc khớp nối, lưu trữ, đưa ra các phản hồi và suy tư cảm giác đã được các tác giả khác củng cố và xác nhận. Đặc biệt, những truy vấn triết học về sự nhập thể của con người và các nghiên cứu thần kinh học cũng mang lại cơ sở cho luận đề của tôi. Qua việc lựa chọn nhan đề “Mắt của Da”, tôi muốn chỉ rõ tầm quan trọng của xúc giác đối với trải nghiệm và hiểu biết về thế giới của chúng ta, và tôi còn chủ đích tạo ra một giản đồ quan niệm giữa sự thống trị của thị giác và sự áp chế những thể điệu cảm quan của sự xúc chạm. Sau này tôi có biết thêm là da của chúng ta có khả năng phân biệt một số màu sắc: ta thật sự nhìn bằng da. Tầm quan trọng của xúc giác trong đời sống con người ngày càng trở nên hiển nhiên. Quan điểm của nhà nhân học Ashley Montagu, vốn dựa trên những bằng chứng y học, đã khẳng định tính ưu việt của lãnh địa xúc giác: [Làn da] là cơ quan sơ khai và nhạy cảm nhất, là phương tiện truyền thông đầu tiên, và sự bảo vệ hiệu quả nhất của chúng ta […] Thậm chí giác mạc trong suốt của mắt cũng được một lớp da biến đổi bao phủ […] Xúc giác là nguồn cội của mắt, tai, mũi và miệng. Nó dần chuyên biệt hóa và trở thành những giác quan khác, sự thật này dường như đã được nhận ra trong thời xưa khi người ta xem xúc giác là “mẹ của các giác quan”. Xúc giác là hình thức cảm quan hội nhập trải nghiệm thế giới của bản thân chúng ta. Thậm chí tri giác thị giác cũng được hòa quyện và hội nhập trong nhận thức liên tục về bản ngã từ xúc giác; cơ thể tôi ghi nhớ tôi là ai và tôi đặt mình trong thế giới như thế nào. Cơ thể thật sự là cái rốn của thế giới của tôi, không phải theo nghĩa là điểm nhìn phối cảnh trung tâm, mà là lãnh địa thật sự của tham chiếu, ký ức, trí tưởng tượng và hội nhập. Tất cả mọi giác quan, bao gồm cả thị giác, đều là sự mở rộng của xúc giác; giác quan là sự chuyên biệt hóa của da, và tất cả trải nghiệm cảm quan đều là những hình thức xúc giác, và như vậy đều liên quan đến khả năng xúc chạm. Sự liên lạc giữa ta và thế giới xảy ra tại đường biên của cái ngã, thông qua những bộ phận chuyên biệt hóa của lớp màng bao bọc chúng ta. Hiển nhiên một thứ kiến trúc “tôn vinh cuộc sống” đồng thời phải hướng đến tất cả các giác quan, và giúp hòa quyện hình ảnh bản ngã của chúng ta với trải nghiệm thế giới. Trách vụ tinh thần cốt yếu của công trình là sự hòa hợp và sự hội nhập. Công trình phóng chiếu tầm thước con người và cảm giác trật tự vào không gian tự nhiên vô lượng và vô nghĩa. Kiến trúc không làm ta sống trong những thế giới của sự chế tạo và huyễn tưởng đơn thuần; nó (kiến trúc) khớp nối trải nghiệm về sự tồn tại của con người trong thế giới và củng cố cảm thức của chúng ta về thực tại và bản ngã. Được nghệ thuật và kiến trúc tăng cường, cảm giác bản ngã cũng cho phép chúng ta hoàn toàn dấn thân vào những chiều kích tinh thần của mộng mơ, tưởng tượng và khát vọng. Công trình và thành phố mang lại chân trời để hiểu và đối diện với thân phận hiện sinh của con người. Thay vì đơn thuần tạo ra những đối tượng cuốn hút thị giác, kiến trúc thuật lại, trung giới và phóng chiếu những ý nghĩa. Ý nghĩa tối thượng của kiến trúc nằm bên ngoài kiến trúc, nó dẫn lối cho nhận thức quay lại thế giới và trở về với cảm nhận của chính ta về cái ngã và sự tồn tại. Một kiến trúc sâu sắc giúp ta trải nghiệm chính bản thân mình như một tồn tại nhập thể (có thân thể) và một tinh thần toàn vẹn. Thật ra đây chính là chức năng của mọi môn nghệ thuật giàu ý nghĩa. Trong trải nghiệm nghệ thuật, một sự trao đổi lạ thường xảy ra: tôi trao cho không gian xúc cảm và sự nối kết của bản thân, không gian mang lại cho tôi khí quyển của nó, lôi cuốn và giải phóng tri giác và suy tư của tôi. Người ta không trải nghiệm một tác phẩm kiến trúc như một chuỗi những hình ảnh võng mạc cô lập, mà trong sự gắn kết trọn vẹn giữa bản chất chất liệu, sự nhập thể và tinh thần của nó. Tác phẩm kiến trúc không chỉ mang lại những hình dạng và bề mặt dễ chịu, được khuôn đúc theo sự xúc chạm của con mắt và những giác quan khác, nó còn hội nhập những cấu trúc vật chất và tinh thần, mang lại cho trải nghiệm về hiện hữu của ta ý nghĩa và sự nhất quán mạnh mẽ. Nghệ sỹ và nghệ nhân đều trực tiếp dấn thân vào công việc sáng tạo cùng cơ thể và trải nghiệm hiện hữu của mình hơn là tập trung vào một vấn đề khách quan và ngoại lai. Một kiến trúc sư minh triết làm việc với toàn bộ cơ thể và cảm thức bản ngã của mình. Trong lúc làm việc với một công trình hay một đồ vật, kiến trúc sư đồng thời nối kết với một góc nhìn hoán vị, tức hình ảnh của chính bản thân anh/cô ấy, hay một cách chính xác hơn, trải nghiệm hiện hữu của anh/cô ấy. Trong công việc sáng tạo, một sự đồng nhất và phóng chiếu mạnh mẽ xảy ra; toàn bộ cấu trúc tinh thần và cơ thể của người sáng tạo trở thành nơi chốn của tác phẩm. Ludwig Wittgenstein đã ý thức được sự tương tác của cả công việc triết học và kiến trúc thông qua hình ảnh bản ngã: “Thật sự thì làm triết học – mà trên nhiều phương diện cũng giống với làm kiến trúc – hầu như là công việc về bản thân. Về cách diễn giải của chính bản thân ta. Về cách thức ta nhìn sự vật […].” Máy vi tính thường được xem như một phát minh hữu ích, giải phóng trí tưởng tượng và tăng tính hiệu quả của công việc thiết kế. Tôi mong muốn làm rõ vấn đề bí ẩn trên phương diện này, chí ít là xem xét vai trò hiện tại của máy vi tính trong giáo dục và tiến trình thiết kế. Hình ảnh vi tính có xu hướng ép phẳng những năng lực đa giác quan, đa nhiệm tuyệt vời của trí tưởng tượng bằng việc biến tiến trình thiết kế thành một sự thao túng hình ảnh thụ động, tức một chuyến phiêu lưu của võng mạc. Máy vi tính tạo ra khoảng cách giữa người tạo tác và đối tượng, trong khi việc vẽ tay và làm mô hình đặt người thiết kế vào mối quan hệ xúc giác với đối tượng hoặc không gian. Trong trí tưởng tượng của chúng ta, đối tượng đồng thời được nắm bắt trong bàn tay và ở bên trong đầu, và trí tưởng tượng nhập thể nhào nặn hình ảnh vật chất được tưởng tượng và phóng chiếu. Cùng lúc chúng ta vừa ở bên trong và bên ngoài đối tượng thiết kế. Công việc thiết kế đòi hỏi sự đồng nhất tâm trí với cơ thể, sự thấu cảm và lòng trắc ẩn. Những nghiên cứu gần đây về tế bào thần kinh gương (mirror neuron) cung cấp nền tảng thực nghiệm cho việc hiểu biết về tiến trình phức tạp của sự mô phỏng nhập thể. Vai trò của tầm nhìn ngoại vi (peripheral) và vô định (unfocused) trong trải nghiệm sống về thế giới cũng như trải nghiệm về nội tâm trong không gian cư lưu của chúng ta cũng làm tôi quan tâm. Một yếu tố đáng chú ý trong trải nghiệm về không gian tính bao bọc chúng ta, về nội tâm, và về xúc giác tính là sự chế ngự có chủ đích của tầm nhìn tập trung sắc bén. Vấn đề này hiếm khi được đưa vào diễn ngôn lý thuyết kiến trúc khi mà việc lập thuyết trong kiến trúc vẫn không ngừng quan tâm đến cái nhìn tập trung, tính ý hướng có ý thức và sự tái hiện theo phối cảnh. Mà bản chất thật sự của trải nghiệm sống lại được những hình tượng xúc giác vô thức và tầm nhìn ngoại vi vô định đúc khuôn. Tầm nhìn tập trung đặt chúng ta đối diện với thế giới trong khi cái nhìn ngoại vi bao bọc chúng ta trong lòng nhục thể của thế giới. Cùng với việc phê phán sự bá quyền của thị giác, chúng ta cũng cần nhìn nhận lại bản chất thật sự của việc nhìn và sự phối hợp các lãnh địa cảm quan khác nhau. Hình ảnh kiến trúc được chụp lại là những hình ảnh nhấn mạnh của các Gestalt (hình dạng) được đặt vào trung tâm. Song, phẩm chất của thực tại kiến trúc dường như lại chủ yếu phụ thuộc vào tầm nhìn ngoại vi, vốn đặt chủ thể hòa vào không gian. Một bao cảnh đại ngàn và những không gian kiến trúc đa dạng mang lại cho tầm nhìn ngoại vi những kích thích phong phú, và những tổ hợp đó (khu rừng và không gian kiến trúc) đặt chúng ta vào trung tâm của không gian. Xét về mặt hiện hữu, lãnh địa tri giác tiền ý thức, vốn được trải nghiệm bên ngoài lãnh địa của cái nhìn tập trung, dường như quan trọng hơn là những hình ảnh rõ nét. Thực tế là có những bằng chứng y học về việc tầm nhìn ngoại vi được ưu tiên nhiều hơn trong hệ thống tri giác và tinh thần của chúng ta. Các quan sát này cho thấy rằng một trong những lý do tại sao các bố cục kiến trúc và đô thị của thời đại của chúng ta lại làm cho con người biến thành kẻ ngoại cuộc, nếu so sánh với sự gắn kết cảm xúc mạnh mẽ của những khung cảnh tự nhiên hay lịch sử, nguyên do đến từ sự thiếu thốn trong lĩnh vực cái nhìn ngoại vi. Tri giác vô thức ngoại vi biến đổi Gestalt võng mạc thành những trải nghiệm không gian và cơ thể. Cái nhìn ngoại vi đưa ta hội nhập vào không gian, trong khi cái nhìn tập trung đẩy chúng ta ra khỏi không gian và biến chúng ta trở thành kẻ quan sát đơn thuần. Về cơ bản, lý thuyết, giáo dục và thực hành kiến trúc liên quan đến hình thức. Song chúng ta có một năng lực đáng ngạc nhiên trong việc nhận thức và nắm bắt một cách vô thức và ngoại vi những thực tại môi trường và những bầu khí quyển phức tạp. Đặc điểm khí quyển của không gian, nơi chốn và bố cục được nắm bắt trước khi mọi quan sát vào chi tiết của ý thức được tạo ra. Bất chấp tầm quan trọng rõ ràng của tri giác khí quyển, rất khó để đưa nó vào diễn ngôn kiến trúc. Một lần nữa, những nghiên cứu thần kinh học chỉ ra rằng tiến trình tri giác và nhận thức của chúng ta đi từ việc nắm bắt ngay lập tức những thực tại rồi mới đến việc nhận dạng các chi tiết, hơn là ngược lại. Kể từ khi viết Mắt của Da hơn 15 năm trước, tôi đã mở rộng phân tích phê phán của mình về sự xem nhẹ bản chất nhập thể của tri giác, nhận thức và ý thức trong hai quyển sách đều do John Wiley & Sons xuất bản về sau: The Thinking Hand: Existential and Embodied Wisdom in Architecture (Bàn Tay Suy Tư: Minh Triết Hiện Sinh và Nhập Thể trong Kiến trúc) (Chichester, 2009), và The Embodied Image: Imagination and Imagery in Architecture (Hình Ảnh Nhập Thể: Trí Tưởng Tượng và Hệ Hình Tượng trong Kiến Trúc) (Chichester, 2011)…

 
240602111_938984666687102_6335369711438028912_n