Nghệ thuật

Nghệ thuật

163563426_826611267924443_8740801600044576041_n
Nghệ Thuật
Chương 3 đoạn 14, “Nietzsche và Triết Học” – Gilles Deleuze.
Quan niệm của Nietzsche về nghệ thuật là một quan niệm có tính bi kịch. Nó dựa trên hai nguyên tắc, ta cần xem chúng như những nguyên tắc rất cổ xưa, đồng thời như những nguyên tắc của tương lai. Trước tiên, nghệ thuật đối lập với một hoạt động ”không vụ lợi”: nó không chữa bệnh, không đem đến sự an lạc, không thăng hoa, không tách mình khỏi lợi ích, không “chặn” lại ham muốn, bản năng hay ý chí. Nghệ thuật, trái lại, là “chất kích thích của ý chí quyền lực”, “chất hưng phấn của ý muốn”. Ta dễ dàng hiểu ra ý nghĩa phê phán của nguyên tắc này: nó tố cáo mọi quan niệm phản ứng về nghệ thuật. Khi Aristote xem bi kịch như một sự thanh tẩy về y học hay như một sự thăng hoa về đạo đức, ông cho nghệ thuật một lợi ích, nhưng đó là một lợi ích nhập chung với lợi ích của sức mạnh phản ứng. Khi Kant tách biệt cái đẹp ra khỏi mọi lợi ích, thậm chí cả lợi ích có tính đạo đức, ông vẫn đứng ở giác độ phản ứng của một khán giả, nhưng là một khán giả đang mất dần sự thiên phú, chỉ còn có thể dành cho cái đẹp một cái nhìn không vụ lợi. Khi Schopenhauer triển khai lý thuyết của mình về sự vô tư, như chính ông đã thừa nhận, ông khái quát hóa kinh nghiệm cá nhân, tức kinh nghiệm của một thanh niên mà với anh ta, nghệ thuật có tác dụng của thuốc diệt dục (như thể thao với những người khác). Hơn bao giờ hết, câu hỏi theo kiểu Nietzsche cần đặt ra ở đây: Ai nhìn cái đẹp một cách “không vị lợi” ? Nghệ thuật luôn bị phán xét từ giác độ của khán giả, một khán giả càng ngày càng ít nghệ sĩ. Nietzsche yêu cầu một thứ mỹ học của sự sáng tạo, tức mỹ học của Pygmalion. Nhưng làm sao từ chính giác độ này mà nghệ thuật lại hiện ra xét như là chất kích thích của ý chí quyền lực ? Tại sao ý chí quyền lực lại cần đến chất hưng phấn, nó vốn không màng đến động cơ, mục đích lẫn biểu tượng? Chính vì ý chí quyền lực chỉ có thể tự thiết định xét như khẳng định trong quan hệ với những sức mạnh hoạt năng, với một đời sống hoạt năng. Sự khẳng định là sản phẩm của một tư duy đã giả định có một đời sống hoạt năng như điều kiện và cái đồng phát của nó. Theo Nietzsche, ta vẫn chưa hiểu cuộc đời của nghệ sĩ có ý nghĩa gì : tính hoạt năng của cuộc đời này dùng để kích thích sự khẳng định được chứa đựng trong chính tác phẩm nghệ thuật, để kích thích ý chí quyền lực của nghệ sĩ xét như chính nó.
Nguyên tắc thứ hai của nghệ thuật cốt ở điều sau: nghệ thuật là quyền lực tối cao của cái giả, nó biểu dương “thế giới xét như sự sai trái”. Nó thánh hóa sự dối trá, biến ý chí muốn lừa dối thành lý tưởng cao cả. Nguyên tắc thứ hai này, theo một cách nào đó, đem lại sự tương hỗ với nguyên tắc đầu; những gì là hoạt tính trong cuộc sống chỉ có thể được thực hiện trong quan hệ với một sự khẳng định sâu thẳm hơn. Tính hoạt năng của đời sống giống như một quyền năng của cái giả, lừa dối, che giấu, lóa mắt, quyến rũ. Nhưng để được thực hiện, quyền năng này của cái giả phải được lựa chọn, được nhân bội hay được lặp lại, vì thế nó được nâng lên một quyền lực lực cao hơn. Quyền lực của cái giả phải được đưa đến tận ý chí muốn lừa dối, duy chỉ có ý chí có tính nghệ sĩ mới có thể cạnh tranh với lý tưởng khổ hạnh và đối lập hiệu quả với lý tưởng này. Chính xác là nghệ thuật phát minh những lời nói dối, chúng nâng cái giả lên thành quyền lực có tính khẳng định tối cao, nghệ thuật biến ý chí muốn lừa dối thành cái gì đó được khẳng định trong quyền lực của cái giả. Bề ngoài, với nghệ sĩ, không còn biểu thị sự phủ định của cái thực trong thế giới này, mà là sự lựa chọn, sự điều chỉnh,sự nhân bội, sự khẳng định này. Do vậy nên chân lý có lẽ lại mang một ý nghĩa mới. Chân lý là cái bề ngoài. Chân lý có nghĩa là thi hành quyền lực, vươn lên quyền lực tối cao. Nơi Nietzsche, chúng ta, những nghệ sĩ = chúng ta, những người đi tìm tri thức hay chân lý = chúng ta, những nhà phát minh ra những khả thể mới của cuộc đời.