Ivan Illich
Đọc ở Viện Hoàng Gia Kiến trúc Anh, York, 07/1984.
Đậu Sỹ Nghĩa dịch
Nguyễn Anh Cường hiệu đính
 
 
Ở là làm người. Muôn thú có ổ, gia súc có chuồng, xe kéo xếp trong kho, và ga-ra dành cho ô tô. Chỉ người có thể Ở. Ở là một nghệ thuật. Mỗi con nhện sinh ra với bản năng dệt một loại lưới đặc thù cho giống loài nó. Như thú vật khác, con nhện bị quy định bởi gen. Người là sinh vật duy nhất là nghệ sỹ, và nghệ thuật Ở là bộ phận của nghệ thuật sống. Một ngôi nhà không phải là cái ổ hay ga-ra.
Hầu hết ngôn ngữ dùng từ « sống » theo nghĩa « ở ». Hỏi « anh sống ở đâu ? » tức hỏi chỗ tồn tại thường nhật định hình thế giới của anh. Nói xem anh cư lưu thế nào, tôi sẽ nói anh là ai. Đẳng thức sống và Ở có từ thời thế giới này vẫn còn có thể ở được, và người là ở-trong (in-habitant). Vậy, Ở có nghĩa là an cư trong dấu vết của mình, là để cho cuộc đời viết lưới và nút thắt từ tiểu sử mình vào trong mặt đất. Việc viết này có thể được các thế hệ nối nhau in sâu vào đá, hay cứ mỗi mùa mưa lại được phác lại tươi mới với lau và lá. Những dấu vết cư lưu của người cũng phù du như người cư lưu. Chỗ Ở không thể xem là hoàn thiện nếu nó không được chiếm dụng, ngược với hàng hóa hiện đại bị xuống cấp ngay từ ngày sử dụng. Căn lều cần chỉnh lại hàng ngày, nó cần dựng, kéo, dỡ. Nông trang tăng lên hay nhỏ lại tùy theo tình trạng các nông viên: ta thường có thể phân biệt từ xa liệu rằng trẻ con đã lập gia đình, hay liệu người già đã mất. Xây một nhà kéo dài từ đời này qua đời khác, nghi lễ in dấu thời khắc trọng yếu: từ lúc đặt viên đá đầu đến khi cắt rui mái, vài ba thế hệ có thể đi qua. Một khu phố thị chưa bao giờ hoàn tất; cho đến thế kỷ XVIII, người ở khu bình dân vẫn còn bảo vệ nghệ thuật Ở của mình khi tụ tập phản đối cải thiện mà kiến trúc sư áp đặt lên. Ở là bộ phận của kinh tế học đạo đức mà E. P. Thomson đã nói rất rõ. Nó gục ngã trước những đại lộ Đức Vua, nhân danh trật tự, sạch sẽ, an ninh và trang trí xé nát những lối xóm. Nó gục ngã trước cảnh sát, vào thế kỷ 19 đặt ra tên đường và số nhà. Nó gục ngã trước những nhà chuyên môn, dẫn ống thoát nước và đặt quy chuẩn. Nó gần như bị tuyệt diệt bởi phúc lợi, ngợi ca quyền công dân đối với ga-ra và ti-vi.
Ở là hoạt động ngoài tầm kiến trúc sư, không chỉ vì nó là nghệ thuật bình dân; không chỉ vì nó cứ biến dịch và vượt khỏi sự kiểm soát của anh ta; không chỉ vì nó thuộc phức tạp tinh tế bên ngoài chân trời của nhà sinh học hay người phân tích hệ thống thông thường; mà trên hết vì không cộng đồng nào Ở như nhau. Tập quán (habit) và chốn ở (habitat) gần như là một. Mỗi kiến trúc bản địa (nếu dùng thuật ngữ nhân học) là một lời nói bản địa duy nhất. Nghệ thuật-sống trong sự toàn vẹn của mình – tức nghệ thuật của yêu và mơ, khổ và chết – biến mỗi cách sống thành duy nhất. Và như vậy, nghệ thuật này quá phức tạp để dạy theo phương pháp Comenius hay Pestalozzi, theo những nhà giáo hay ti-vi. Cần thời gian để lĩnh hội nghệ thuật này. Mỗi cá nhân trở thành người xây bản địa hay người nói tiếng bản địa qua trưởng thành, đi từ nhập môn qua giai đoạn khác để thành một người cư lưu nam hay nữ. Như vậy, không gian ba chiều, thuần chất Descarte mà kiến trúc sư xây nhà, và không gian bản địa mà việc Ở mang vào hiện hữu, chúng tạo thành hai lớp không gian khác biệt. Kiến trúc sư chỉ xây lên. Cư dân bản địa phôi dựng tiên đề không gian họ Ở.
Về mặt topo học, người tiêu thụ nhà ở đương đại sống ở thế giới khác. Tọa độ không gian nhà nơi anh định vị mình là thế giới duy nhất anh từng trải nghiệm. Anh ta không thể tin rằng người Peul chăn bò, người Dogon leo núi, người Songhai bắt cá và người Bobo cày ruộng sống trong các không gian dị giới lại cùng thuộc về một cảnh quan riêng biệt, như đa số các nhà sinh thái học đã nhận thấy. Với hộ dân hiện đại, một dặm là một dặm, và sau mỗi dặm này là những dặm khác, vì thế giới không có trung tâm. Với kẻ cư lưu, trung tâm thế giới là nơi họ sống; mười dặm ở ngược sông có thể ngắn hơn nhiều một dặm vào sa mạc. Theo nhà nhân học, văn hóa của kẻ cư lưu uốn cong nhãn quan của anh ấy. Thực tế là nó thiết định những đặc tính không gian nơi anh ta Ở.
Hộ dân đã đánh mất nhiều năng lực Ở của mình. Sự tất yếu phải ngủ dưới một mái nhà mình khôi hài thay lại hóa thành một nhu cầu được định hình theo văn hóa. Với hắn, tự do Ở chẳng còn nghĩa. Điều hắn cần là quyền có một số lượng mét vuông nào đó bên trong một không gian xây sẵn. Hắn trân quý quyền lợi này và biết dùng nó. Nghệ thuật sống đã bị tước đoạt khỏi hắn: hắn không cần đến nghệ thuật Ở vì hắn chỉ cần căn hộ ; cũng như việc hắn không cần nghệ thuật khổ đau vì đã có y tế, và chắc chắn chưa hề nghĩ gì về nghệ thuật chết.
Hộ dân sống trong thế giới dựng sẵn. Việc lưu dấu trên đường cũng không dễ hơn việc đục lỗ trên tường. Hắn sống một đời không dấu vết. Những dấu ấn để lại bị xem là những lỗ thủng – như sự hư hao. Những gì hắn để lại bị bỏ đi như rác. Môi trường từ nơi chốn chung của cư lưu, bị tái định nghĩa xét như một tài nguyên để sản xuất ga-ra cho người, cho hàng hóa và ô tô. Chung cư cung cấp những buồng ngăn nơi hộ dân lưu trú. Người ta quy hoạch, xây dựng và trang bị cho họ những chung cư. Được phép Ở một cách tối giản trong căn hộ của mình là một ưu biệt: chỉ người giàu mới dời cửa hay đóng đinh vào tường. Như vậy không gian thuần tính của ga-ra đã thay thế không gian bản địa của cư lưu. Các chỗ lưu trú giống hệt nhau từ Đài Loan đến Ohio, từ Lima đến Bắc Kinh. Khắp nơi ta đều thấy cùng một kiểu ga-ra cho người – hay những kệ chứa lực lượng lao động qua đêm, rất tiện để vận chuyển. Cư dân ở không gian do mình tự làm bị thay bằng hộ dân lưu trú trong những công trình sản xuất sẵn, được đăng ký hợp pháp như một người tiêu thụ chỗ ở và được luật thuê nhà và vay thế chấp bảo vệ.
Hầu hết xã hội đều xem xin trọ như dấu hiệu túng thiếu: trẻ mồ côi được nhận nuôi, người hành hương xin ở nhờ, tội đồ bị tống giam, nô lệ bị nhốt qua đêm và người lính – nhưng chỉ từ sau thế kỷ 18 –mới ngủ lại ở trại. Trước kia, ngay cả quân đội cũng phải dựng trại tự làm chỗ ở cho mình. Duy chỉ có xã hội công nghiệp cố biến mỗi công dân thành một hộ dân, nghĩa là phải được cư trú và hủy đi cái trách vụ của một hoạt động xã hội, cộng đồng mà tôi gọi là Ở. Giờ đây, những ai kiên trì với tự do cư lưu theo ý mình thì hoặc là rất khá giả, không thì bị xem là khác người. Điều này đúng cho cả những ai chưa bị cái gọi là “sự phát triển” tẩy đi khát vọng Ở, và cho cả những kẻ ly khai (unpluggers) đi tìm hình thức cư lưu mới, muốn biến phong cảnh công nghiệp thành một nơi có thể Ở – ít nhất tại những vết nứt hay những điểm yếu của cảnh quan này.
Cả người không-hiện-đại và hậu hiện đại đều phản đối việc xã hội cấm đoán sự tự thiết định về không gian; và họ sẽ phải liệu đến những can thiệp của cảnh sát từ phiền toái do mình gây ra. Họ bị ghi dấu như kẻ xâm phạm, kẻ chiếm dụng trái phép, kẻ vô chính phủ và họ bị xem là mối họa tùy theo từng tình huống mà họ thiết định tự do Ở của mình: như người Anh-Điêng đã đột nhập và định cư trên vùng đất hoang ở Lima; như những favellados ở Rio de Janeiro trở về sống chui trên ngọn đồi nơi vừa bị đuổi – tức là sau 40 năm ở đó; như những sinh viên đã dám biến đổi tàn tích ở Kreuzberg, Berlin thành chỗ ở cho mình, như những người gốc Puerto Rico vẫn quyết quay về với công trình bị đốt và bao kín tường ở South Bronx. Tất cả bọn họ sẽ bị quét sạch, không thật sự vì thiệt hại gây cho chủ đất, vì đe dọa sức khỏe hay bình yên của hàng xóm, mà vì họ thách thức cái tiên đề xã hội đã định nghĩa mỗi công dân như một đơn vị cần có một ga-ra theo chuẩn.
Cả bộ tộc Anh-Điêng đã bỏ dãy Andes xuống khu ngoại ô Lima và hạt ngoại ô Chicago đã tách mình khỏi cơ quan nhà ở đô thị, cả hai đều thách thức mô hình phổ biến hiện tại xem công dân như homo castrensis, con người ở trọ. Nhưng với những thách thức đó, người mới đến và kẻ ly khai lại tạo ra những phản ứng khác nhau. Người Anh-Điêng có thể bị xem là ngoại đạo và cần được giáo dục để quý trọng sự chăm lo vật chất của nhà nước với nơi ở của họ. Kẻ ly khai nguy hiểm hơn hẳn: hắn là chứng nhân cho hiệu ứng bị thiến từ sự che chở mẫu tử của thành phố. Không như người ngoại đạo, loại dị giáo này thách thức tiên đề tôn giáo dân sự, nó ẩn dưới mọi ý thức hệ hiện hành, dù bề ngoài chúng có vẻ đối lập nhau. Theo tiên đề này, công dân xét như homo castrensis cần một hàng hóa gọi là “lưu trú”, quyền lưu trú của hắn được viết thành luật. Kẻ ly khai không phản đối lại quyền này, song hắn thực chống lại điều kiện cụ thể trong đó quyền lưu trú mâu thuẫn với tự do Ở. Và với kẻ ly khai, tự do này, một khi rơi vào mâu thuẫn, sẽ được xem là đáng quý hơn thứ hàng hóa lưu trú, hiển nhiên là thứ khan hiếm trên danh nghĩa.
Dù sao, giữa giá trị bản địa và kinh tế, sự mâu thuẫn không tự giới hạn ở phần không gian nơi ngưỡng cửa. Ta sẽ nhầm nếu giới hạn ảnh hưởng của cư lưu trong việc định hình không gian nội thất; cư lưu cũng hình thành những gì ở ngoài cửa chính, dù theo một cách khác. Đất Ở nằm cả hai bên: ngưỡng cửa giống như là điểm xoay không gian do Ở tạo ra. Một bên gia đình, bên kia không gian chung: không gian những hộ gia đình cư lưu là của chung. Nó che chở cho cộng đồng như ngôi nhà che chở cho thành viên. Cũng như việc không có cộng đồng nào có cùng cách cư lưu, không có không gian chung nào giống hệt nhau. Tập quán quy định ai có thể và ai bắt buộc phải sử dụng không gian chung, ra sao, khi nào và ở đâu. Cũng như ngôi nhà phản ánh những nhịp điệp và tăng giảm trong cuộc sống gia đình, không gian chung là dấu vết của cộng đồng. Không thể có sự Ở nào không đi kèm không gian chung. Những người nhập cư mất nhiều thời gian để hiểu rằng xa lộ không phải phố hay lối đi, mà là phương tiện cho lưu chuyển. Tôi từng gặp dân Puerto Rico đến New York, họ cần nhiều năm để hiểu rằng ở đó, vỉa hè không phải là một phần của quảng trường. Ở khắp châu Âu, cùng với sự thất vọng của đám quan chức Đức, người Thổ bày bàn ghế ra đường để tán chuyện, để đánh cuộc, để bán buôn, để cà phê hay dựng hàng nhỏ. Cần thời gian để dứt bỏ không gian chung, và nhận ra rằng xe cộ không chỉ giết chết buôn bán mà cả những câu chuyện phiếm bên hè. Với người tiêu thụ nhà ở hiện đại thì sự phân biệt giữa không gian riêng và công cộng không thay thế mà phá hủy sự phân biệt truyền thống giữa nhà và không gian chung, gắn kết ở ngưỡng cửa. Nhưng những nhà sinh thái học của ta còn lâu mới nhận ra tác động mà nhà ở chung cư xét như là hàng hóa đã gây ra cho môi trường. Sinh thái học (eco-logy) vẫn vận hành như thứ phụ trợ hay song sinh của kinh tế học (eco-nomy). Sinh thái học chính trị chỉ trở nên triệt để và hiệu quả khi nhận ra sự tàn phá không gian chung qua cách nó biến thành tài nguyên kinh tế chính là yếu tố môi trường làm tê liệt nghệ thuật Ở.
Một minh chứng về phá hủy không gian chung chính là mức độ mà thế giới của ta đã trở nên không thể Ở như thế nào. Cùng với tăng dân số, nghịch lý thay ta lại khiến cho môi trường không thể Ở được. Cũng như việc có nhiều người cần chỗ ở hơn, cuộc chiến chống cư lưu bản địa đã vào hồi kết, và con người buộc phải tìm kiếm nhà ở, thứ sẽ càng hiếm hoi. Một thế hệ trước, Jane Jacobs đã thực sự chỉ ra rằng trong những thành phố truyền thống, nghệ thuật Ở và sức sống của không gian chung cùng tăng lên khi thành phố mở rộng và như khi con người ta sống gần nhau hơn. Nhưng trong ba mươi năm gần đây, hầu như trên khắp thế giới, những công cụ quyền lực đã được dùng để xâm hại nghệ thuật Ở của cộng đồng địa phương và như vậy, tạo cảm giác sâu sắc tăng dần về sự khan hiếm không gian sống.
Sự xâm hại không gian chung của nhà ở không hề kém tàn bạo so với việc đầu độc nguồn nước. Việc những ốc đảo cư lưu cuối cùng đang bị những chương trình nhà ở xâm chiếm cũng đáng ghê tởm như việc tạo ra khí thải. Những định kiến pháp lý rập khuôn hỗ trợ quyền nhà ở, bất chấp việc yêu sách này mâu thuẫn với tự do khám phá những hình thức cư lưu mới, chúng cũng áp chế chẳng khác gì những điều luật cưỡng ép cách sống một cặp đôi “năng sản”. Nhưng điều này vẫn cần được tuyên cáo ra. Không khí, nước và những cách thức sống chung khác đã tìm thấy những người bảo vệ. Họ được đào tạo, rồi chính quyền giao việc cho họ. Đến thời điểm này, tự do cư lưu vẫn chỉ là mối bận tâm của một thiểu số các phong trào dân sự; và thậm chí chúng cũng thường bị kiến trúc sư xuyên tạc, vì hiểu nhầm mục tiêu.
“Tự-xây-dựng” được xem như thú vui đơn thuần – hoặc như lời an ủi với khu ổ chuột. Việc trở về cuộc sống nông thôn bị nhìn là chủ nghĩa lãng mạn. Hồ cá và chuồng gà nội đô được xem như giải trí đơn thuần. Những nhà xã hội học hưởng lương cao đổ xô đến các khu dân “hoạt động tốt” cho đến khi chúng thất bại. Chiếm dụng chỗ ở bị xem là bất tuân dân sự, và chiếm dụng có cải tạo là tiếng kêu thét để có nhà ở tốt hơn và nhiều hơn. Nhưng trong lĩnh vực nhà ở, như giáo dục, y tế, giao thông hay mai táng, chính kẻ ly khai lại không phải là người thuần khiết. Tôi biết một gia đình nuôi vài con dê ở Appalachians và buổi tối lại chơi máy tính chạy pin. Tôi biết một người chiếm dụng trái phép đã xâm nhập vào khu tường vây Harlem, và gửi con gái đi học trường tư.
Song, cả chẩn đoán châm biếm và tâm lý đều không làm kẻ ly khai biến mất. Họ đã đánh mất ý thức hippi Calvinist và tự phát triển thành một nhánh châm biến và kỹ năng chính trị. Trải nghiệm bản thân nói với họ rằng sự tận hưởng nghệ thuật sống được phục hồi từ cư lưu có lợi hơn thứ tiện nghi đã bỏ lại. Và càng ngày họ trở nên có khả năng hơn để từ chối tiên đề về homo castrensis như một bộ phận nền tảng của xã hội công nghiệp.
Còn có những nguyên do khác khiến việc phục hồi không gian cư lưu ngày hôm nay có vẻ hợp lý. Những phương pháp, vật liệu và máy móc hiện đại khiến việc tự xây dựng thành đơn giản và ít nhọc hơn xưa. Số người thất nghiệp gia tăng loại bỏ dần cái mác phản-xã hội cho những ai không muốn qua hiệp hội xây dựng. Ngày càng nhiều công nhân xây dựng có đào tạo phải hoàn toàn học lại nghề để làm những việc bên ngoài, có ích hơn cho mình và cộng đồng. Sự thiếu hiệu quả nghiêm trọng của công trình trong thập niên bảy mươi làm cho những chuyển hóa trước đây không thể ngờ đến đã trở nên ít dị ứng hơn, thậm chí còn hợp lý hơn nếu theo những người biểu tình cách đây vài năm. Trải nghiệm của Thế Giới Thứ Ba hội tụ với trải nghiệm ở South Bronx. Trong chiến dịch tranh cử của mình, tổng thống Mexico đã tuyên bố rõ: kinh tế Mexico không thể cung ứng nhà ở cho đa số công dân của mình dù là hiện tại hay trong tương lai. Cách duy nhất để tất cả người dân Mexico được cấp trú thoải mái là qua sự chuẩn bị về pháp lý và vật chất khiến mỗi cộng đồng nước này có thể tự lưư trú tốt hơn bao giờ hết.
Điều vừa đề xuất phía trên rất quan trọng: sự ly khai của một quốc gia khỏi thị trường toàn cầu về nhà ở đơn vị. Tôi không tin rằng một đất nước Thế Giới Thứ Ba có thể làm được điều đó. Chừng nào mà một đất nước vẫn còn tự xem mình là chưa phát triển, họ sẽ dùng mô hình phía Bắc, dù tư bản hay xã hội chủ nghĩa. Tôi không thể tin rằng một đất nước như vậy có thể thật sự ly khai, xét như một dân tộc. Có quá nhiều quyền lực tích tụ nơi các chính quyền dựa trên ý thức hệ về con người “lưu trú” một cách tự nhiên. Huyễn tưởng (utopia) về kiến tạo quốc gia và xây dựng nhà ở gắn chặt với nhau trong ý nghĩ của mọi giới tinh hoa mà tôi biết, đặc biệt trong Thế Giới Thứ Ba. Tôi tin rằng tự do Ở, và hậu cần về công cụ – ở mặt pháp lý lẫn vật chất – để lựa chọn này khả thi, phải được nhận thức đầu tiên ở các quốc gia “phát triển.” Ở đó, kẻ ly khai có thể tranh luận với niềm tin và sự chính xác hơn vì sao hắn ta xem tự do này quý hơn việc có ga-ra. Và sau đó hãy để anh ta đến Mexico để học những gì mà gạch không nung có thể làm.
Ngày một nhiều hơn những luận điểm đặt sự phục hồi năng lực bản địa của Ở lên trên những yêu sách bất lực về kho chứa cá nhân. Như chúng ta biết, những luận điểm này nhất quán với phương hướng của phong trào sinh thái khi phong trào này thực sự thoát khỏi cái bóng của kinh tế học tức khoa học về giá trị khan hiếm. Chúng cũng nhất quán với những phân tích triệt để mới mẻ về vấn đề công nghệ, chống lại việc tuyển mộ con người xem như tình nguyện viên vào ngành công nghiệp xây dựng, chống lại việc sử dụng những công cụ hiện đại để bù đắp cho năng lực khiếm khuyết về Ở. Song điều quan trọng hơn, là về một luận điểm vẫn còn ở trạng thái phôi thai, nhưng tôi đã đọc được khi quan sát nhiều những nỗ lực tự phát cụ thể.
Không gian thích hợp mang dấu cuộc sống là cơ sở sống còn như nước sạch hay không khí trong lành. Người đơn giản là không hợp bên trong ga-ra, dù có được trang trí lộng lẫy với phòng tắm hay thiết bị kiệm năng như thế nào. Nhà và ga-ra không phải là những không gian cùng thể loại. Nhà không phải là ổ của người theo cách nhà sinh học xã hội quy giản, cũng không phải là kệ tủ ở đó con người không tài nào sống sót, bất chấp nó được bọc nệm tốt nhường nào. Ga-ra là kho trữ dành cho đồ vật lưu chuyển trong không gian thuần tính của hàng hóa; cái ổ được định hình và chiếm dụng bởi con vật, bản năng đã buộc chúng vào lãnh thổ. Con người ở. Chúng ta đã ở Trái Đất theo muôn cách khác nhau và sao chép hình thức cư lưu của nhau. Hàng thiên niên kỷ qua, điều quyết định những đổi thay của không gian cư lưu không phải do bản năng hay gen mà do văn hóa, kinh nghiệm và suy tư. Phải thừa nhận rằng cả lãnh thổ và không gian cư lưu đều có đặc điểm ba chiều, song về mặt ý nghĩa, chúng không cùng một loại không gian – cũng khác như giữa không gian cư lưu và ga-ra. Không có khoa học nào mà ta biết, ngày hôm nay có thể nắm bắt thực sự tính đa dạng topo này – cả xã hội học, nhân học, hay lịch sử hiện giờ hầu hết đều từ bỏ giác độ viễn tượng trung tâm, nơi ta sẽ không nhìn ra sự khác biệt đó. Tôi thực tin rằng những sự trái ngược có tính bộ môn về trải nghiệm con người dưới giá trị bản địa, dưới chế độ của tính khan hiếm, chính là bước đầu tiên có thể làm sáng tỏ sự khác biệt quan trọng này. Và nếu thiếu đi sự phục dựng một ngôn ngữ có thể bật lên sự khác biệt đó thì việc từ chối xem mình với mô hình “con người lưu trú” và sự tìm kiếm không gian cư trú bản địa mới sẽ không thể trở nên hiệu quả về chính trị…
Và vì vậy, khi hành vi Ở trở thành một chủ đề chính trị, chúng ta không cách nào tránh khỏi ngả rẽ. Một bên là quan tâm về “gói nhà ở” – tức việc làm thế nào để mọi người hưởng quyền lợi về gian buồng xây sẵn, có vị trí và trang bị tốt. Ở đây việc đóng gói của người nghèo với đơn vị nhà ở cho họ sẽ trở thành một lĩnh vực tăng trưởng dành cho công nhân xã hội khi không còn tiền chi cho kiến trúc sư. Bên còn lại là quan tâm về quyền lợi của một cộng đồng được tự định hình và tự thích nghi với khả năng và nghệ thuật của bản thân. Khi theo đuổi mục tiêu này, rất nhiều người ở phía Bắc nhận ra rằng sự phân mảnh của nơi Ở và sự đánh mất truyền thống đã tước đi quyền cư lưu khả dĩ. Những người trẻ đang đeo đuổi nhà ở, chính họ sẽ khao khát nhìn về Southwards, nơi mà không gian và truyền thống vẫn sống.
Khao khát mới chớm nở này của những nước chưa phát triển sẽ được lòng can đảm và suy tư chữa lành. Song ở Thế Giới Thứ Ba, bản thân sự sinh tồn còn phụ thuộc vào cán cân đúng đắn giữa quyền “tự xây dựng” và quyền sở hữu đất cùng một vài thứ như rui mái của riêng mình.