Ra ngoài ngôn ngữ

Ra ngoài ngôn ngữ

181560583_848374762414760_5491738034069653497_n

Ra ngoài ngôn ngữ

Eduardo KOHN
Tạp chí Stream 04, (Tháng 11/2017), tr. 147-157
Đậu Sỹ Nghĩa dịch
Nguyễn Anh Cường hiệu đính
Eduardo KOHN là nhà nhân chủng học, giáo sư tại Đại Học Mc Gill, Montréal, tác giả của How Forests Think: Towards an Anthropology Beyond the Human (Rừng nghĩ như thế nào: hướng về một nhân học vượt ra con người ).
Tiếp nối những hữu thể học đương đại, nhà nhân chủng học Eduardo Kohn vượt khỏi nhị nguyên luận hiện đại và chứng minh nhất tính của sinh thể thông qua ký hiệu học. Qua những nghiên cứu nhân chủng ở vùng Amazon, ông khám phá “tư duy đại ngàn”(sylvestrian thinking) – được toàn bộ sinh thể chia sẻ- trong những hệ quả triết học của nó: Nếu phương Tây chỉ nhìn nhận tư duy của con người, thì bằng lý thuyết ký hiệu của mình, Kohn làm đảo lộn sự đối nghịch giữa sinh vật có ngôn ngữ và những loài khác. Sinh sống mật thiết với tập hợp hữu thể trong một hệ sinh thái phức tạp bao gồm những sinh vật không phải con người và những thể vô cơ, Người Runa ở Amazon đã phát triển sự giao tiếp liên-loài, tương tự như trải nghiệm nghệ thuật, vượt ra ngoài ngôn ngữ. Người Runa nhận biết những quan hệ sinh thái bên trong thế giới này như là những quan hệ có tính giao tiếp. Kohn đã nỗ lực hợp thức hóa suy tư đại ngàn để rút ra những định hướng đạo đức cho phép vượt khỏi Kỷ Nhân Sinh.
Philippe Chiambaretta : Trong quyển sách Những cánh rừng nghĩ như thế nào, ông tiếp cận khái niệm « suy tư sống » (the living thought), theo đó suy tư có lẽ tồn tại bên ngoài con người và ngôn ngữ. Ông có thể mô tả hình thái tư duy « phi nhân vị » này được không ?
Eduardo Kohn : Suy tư được tôi gọi là « đại ngàn » (sylvan) là dạng suy tư không chỉ thuộc về sinh thể người mà được toàn bộ sinh thể trong đó có chúng ta cùng chia sẻ. Tôi đã bắt đầu công việc của mình ở Amazon bằng việc lĩnh hội hình thức ngôn ngữ này như là một thực tại có tính dân tộc học và sinh học. Quyển sách của tôi tiếp tục khám phá những kết quả của quan sát này trên bình diện siêu hình học. Trong giai đoạn khủng hoảng sinh thái hiện tại, tôi tự cho mình trách nhiệm hợp thức hóa tư duy rừng để nó có thể trở thành một định hướng đạo đức.
Ở phương Tây, sai lầm có tính siêu hình học của ta là gộp tất cả dạng thức suy tư thành một thứ duy nhất, tức suy tư con người. Bằng việc tập trung chú ý vào dạng thức đặc thù này, chúng ta bỏ qua tất cả những dạng khác và xếp những gì không thuộc về suy tư con người vào vùng không suy tư. Sự loại trừ này dẫn đến nhị nguyên luận.
Viêc khái quát hóa sự chia tách như thế giữa người và phần còn lại của thế giới là có vấn đề. Về phía mình, tôi nhìn nhận rằng dù thực tế là con người rất khác biệt-mà phần lớn là do chúng ta suy tư một cách khác-, thì sự khác biệt này cũng không cho phép che phủ sự hiện hữu của một tính liên tục và một nhất tính nền tảng. Với triết gia Charles Peirce, nhị nguyên luận nằm bên trong một nhất nguyên luận tổng quát. Điều này hoàn toàn có nghĩa khi chúng ta nghĩ về sinh thể. Sinh vật rất khác với máy móc : trong khi máy móc là sự gắn kết của một số lượng các mảnh rời rạc thì ngay từ ban đầu sinh thể hữu cơ đã là « một » và luôn giữ như thế, cuối cùng thì tiến trình dị biệt hóa chỉ sáng tạo ra những « bộ phận ». Trong Những cánh rừng nghĩ như thế nào tôi tìm cách lần theo những sự kết nối thay vì liệt kê danh sách những sự khác biệt.
Philippe Chiambaretta : Ông đã viết « sự sống và suy tư cùng là một thứ duy nhất : sự sống suy tư, những suy tư thì sống ». Ông muốn nói gì ở đây ?
Eduardo Kohn : Một trong những chiến lược của tôi là lấy những thứ mà ta xem như hoàn toàn khác biệt rồi chỉ ra rằng giữa chúng tồn tại một mức độ liên tục nào đó. Ở cấp độ sơ khởi, tức vận động tiến hóa đầu tiên, « ngã » (self) đầu tiên và suy tư đầu tiên chỉ là một thứ. Sự sống về cơ sở là một tiến trình biểu nghĩa. Tất cả những gì biểu tượng cho sự vật hay người nào đó theo cách này hay cách khác đều là tiến trình biểu nghĩa ; và nhân vật mà thông qua đó tiến trình này xảy ra là một cái ngã. Chính vận động này được tôi gọi là suy tư, và tất cả những gì xuất hiện trong đó đều hữu sinh. Bằng việc khẳng định lập trường « mở rộng » này, tôi ít gắn mình vào những tiểu tiết của sự giao tiếp – tức việc biết rằng liệu sự giao tiếp xảy ra qua mùi hương hay tiếng kêu- mà vào ý niệm tổng quát rằng khi thể hữu cơ tái hiện môi trường của mình một cách đặc thù cho các thế hệ tiếp theo, thì đó là một suy tư. Chẳng hạn ví dụ hình thái những lông bơi của trùng cỏ tái hiện một cái gì đó về chủ đề nước, qua đó thể hữu cơ di chuyển ; những tiểu quan này nắm bắt thông tin, định hình một suy tư có thể truyền lại cho đời sau. Chính ở cấp độ nguyên sơ này mà sự sống và suy tư là một thứ, và trên nền tảng này đặt ra các dạng thức giao tiếp phức tạp hơn ở cả con người và những thứ không phải con người.
Philippe Chiambaretta : Có phải ông muốn nói rằng khu rừng là nơi cư trú của các tự ngã hay bản thân nó là một tự ngã ?
Eduardo Kohn : Tôi muốn nói khu rừng là nơi ở của các tự ngã, song một số chúng gắn với những cấp độ cao hơn cấp độ cá nhân, và những tự ngã ở trật tự cao hơn này có thể có những đặc điểm đột khởi. Nhưng liệu bản thân khu rừng có phải là một tự ngã không ? Một khu rừng khởi đầu và kết thúc ở đâu ? Theo một cách nào đó khu rừng là tự ngã đột khởi vĩ đại nhất mà người ta có thể tìm thấy trong một « khu rừng ». Tôi không chắc chắn về điều này. Tôi nghĩ là khu rừng chứa những tự ngã phi nhân vị thuộc về một trật tự cao hơn bản thân các cá thể. Một vài trong số chúng cho thấy những đặc điểm đột khởi mà tôi nhìn nhận như một dạng « giống như-linh hồn ». Việc hiểu được dạng thức thực tại của « đời sống linh hồn » này là gì là quan tâm chính của tôi. Liệu chúng có phải là những tự ngã ? Điều này hãy còn mơ hồ với tôi ngay lúc này.
Nhân học ra ngoài con người
Philippe Chiambaretta : Ông sử dụng môn ký hiệu học để chứng minh rằng ký hiệu không chỉ thuộc về con người để từ đó ông xây dựng một môn « nhân học vượt ra con người ». Liệu ông có thể cho một vài ví dụ về cách mà những người Runa – người dân ở Amazon xích đạo- đã thành tựu trong giao tiếp « ra ngoài ngôn ngữ » với những thể hữu sinh khác ?
Eduardo Kohn : Cho phép tôi được bắt đầu với ký hiệu mang tính « nhân vị » nhất : tức biểu trưng (symbol). Biểu trưng đối nghịch với những ký hiệu, tức những thành tố hoàn toàn hoàn toàn riêng biệt của phần còn lại của sinh thể, biểu trưng tham chiếu một cách gián tiếp, theo một lô-gích quy ước. Một biểu trưng tham chiếu về một thứ gì trong thế giới mà không chỉ đến nó một cách trực tiếp, ngược lại biểu trưng này chỉ đến những biểu trưng khác bên trong một hệ thống của biểu trưng. Điều này tạo ra một hình thức tư duy đặc thù và rất mạnh mẽ, nó mở ra sự trừu tượng và cho phép chúng ta, xét như con người, có thể suy tư về những thứ không thật sự hiện hữu. Do thế, thật dễ dàng lạc lối trong thế giới tư duy của con người.
Đóng góp lý thuyết to lớn nhất của ngành nhân học nằm ở phân tích về hình thức của tư duy của con người dựa trên các biểu trưng. Những khái niệm như là văn hóa, thực tế xã hội, chế độ diễn ngôn và sự kiến tạo xã hội do thế là sản phẩm của suy tư có tính khái niệm, sử dụng những tính chất của biểu trưng. Song chúng ta không thể nào chỉ bám vào biểu trưng, bởi điều này khiến sự tiếp cận và thông hiểu tất cả những gì nằm ngoài hệ thống biểu trưng rất khó khăn.
Nhân học thì nhiều hơn một tập hợp lý thuyết : nó cũng tạo ra một phương pháp rất mạnh mẽ – tức môn dân tộc ký – mà dưới góc độ lý thuyết là « bất khả tri » (agnostic). Bằng môn dân tộc ký, nói chung chúng ta nói về một sự hội nhập (immersion) mạnh mẽ vào trong một lối sống, đi kèm với những nghiên cứu khó khăn về cách truyền tải điều gì đó từ sự hội nhập này, khả dĩ có được tác động lớn nhất đến những khái niệm của riêng chúng ta. Chúng ta cũng tưởng tượng sự hội nhập nhân học giống như là những cuộc lặn sâu vào những thế giới chỉ thuộc về con người, song thực tế là tôi làm việc ở Amazon trong một nơi mà người ta sinh sống trong sự mật thiết nhất với một số lượng các hữu thể, và không chỉ con người. Dĩ nhiên họ vẫn rất quan tâm đến con người, song họ sống trong một hệ sinh thái đặc biệt cao độ và phức tạp mà họ phải có khả năng hiểu. Họ sử dụng một vài thành tố của môi trường để tự nuôi – thông qua săn bắt, hái lượm, làm vườn – điều này buộc họ trở nên rất nhạy cảm trước thế giới của khu rừng nơi bao trú họ. Nó dẫn họ đến việc hiểu những mối quan hệ sinh thái bên trong thế giới đó như những quan hệ giao tiếp.
Sự hội nhập dân tộc ký đã cho phép tôi hiểu ra rằng phần lớn các hoạt động của người Runa nằm ở việc giao tiếp với những hữu thể của thế giới đó hoặc ở việc giao tiếp giống như chúng. Như vậy tôi cũng cố gắng hiểu điều gì đang xảy ra khi người Runa lắng nghe một tiếng chim trong rừng, và nhất là từ đó hiểu sự diễn giải của họ. Việc này không đơn giản là ngồi đó và đặt câu hỏi, mà là đi vào tương tác với các cử chỉ thường ngày của họ : khi có chim bay qua tôi sẽ lắng nghe tiếng kêu của chúng và quan sát phản ứng của người Runa rồi cố gắng hiểu sự diễn giải của họ. Không phải ai cũng diễn giải tiếng kêu đó giống nhau, điều này thể hiện trong những phát ngôn của họ mà tôi có thể cẩn thận ghi lại.
Bản thân nguyên mẫu (archetype) của biểu trưng chính là từ ngữ, như được diễn đạt trong ngôn ngữ con người. Song phương ngữ Quichua của người dân mà tôi đã sống cùng thú vị ở chỗ nó sở hữu một lớp từ vựng không thật sự được cấu thành từ những biểu trưng và nó chơi với một tập hợp các từ thuộc về một trật tự của tính bắt chước. Thay vì cố gắng nắm bắt những sự vật của khu rừng, những từ này phản ánh cái mà Anna Tsing gọi là trình hiện (happenings), phơi mở (unfoldings) và « sự biến » (events). Nó mô phỏng tính chất đặc thù của hành động thời tính xảy ra trong rừng bằng việc mô tả chúng dưới dạng « hình ảnh thanh âm » (sound image), nếu có thể nói như vậy. Như thế, trong ngôn ngữ Quichua tồn tại những « từ bắt chước »- tức những hình ảnh thanh âm-như là tsupu, mô phỏng tiếng của một vật đang chìm xuống nước, hay tyas, mô phỏng tiếng dao rựa, hoặc teeeye, làm nghĩ đến tiếng súng nổ. Vì sự giống nhau với sự vật mà chúng tái hiện, những phát ngôn này sở hữu một ý nghĩa có thực, dẫu nó đứng ở bên ngoài ngôn ngữ. Khi tôi phát âm teeeye, nó giống như là viên đạn đi ra từ bên trong nòng một khầu súng săn và bay khỏi « miệng » của súng. Theo cách này, tiếng Quichua nắm bắt một « sự giống nhau » với khu rừng nói chung, bản thân nhóm từ này cấu thành « sự giống nhau » thuộc thể loại suy tư đang diễn ra bên trong khu rừng, hiện thân cho hình ảnh của suy tư đại ngàn.
Vượt qua Kỷ Nhân Sinh
Philippe Chiambaretta : Bằng cách nào mà sự giao tiếp với các hữu thể cấu thành môi sinh liên đới của khu rừng lại trở nên cốt yếu với người Runa ? Và sẽ như thế nào nếu họ đánh mất sự giao tiếp với các hữu thể khác ?
Eduardo Kohn : Suy tư đại ngàn luôn luôn ăn sâu trong chúng ta, mọi người đều sở hữu hình thái tư duy này, nó biểu hiện trong những khu rừng rậm như ở Amazon. Chúng ta là những hữu thể đại ngàn bởi vì chúng ta là những hữu thể hữu sinh. Người ta không thể nào thực sự đánh mất suy tư đại ngàn, song ngược lại thứ có thể mất đi – và đây là điều đáng sợ – chính là những không gian ở đó suy tư đại ngàn phát triển và sinh sôi. Trong rừng rậm ở vùng Amazon Xích Đạo, suy tư đại ngàn phát triển mạnh mẽ và phong nhiêu đến mức không cách nào bỏ qua được những đặc tính của nó. Khi ở trong một khu rừng người ta không thể làm gì ngoài việc nghĩ giống như nó, và điều này sẽ dẫn đường cho chúng ta, truyền cảm hứng cho chúng ta ở thời đại mà ta mất đi ý nghĩa về suy tư đại ngàn. Chúng ta đã trở nên « quá nhân bản », bị tách biệt khỏi những thứ mà dường như chúng ta không khả năng xem xét như những gì khác hơn là « vật chất » đơn thuần. Đây là sự điên đảo lớn nhất của thế giới của ta. Xét về mặt hữu thể học, sự chia tách kiểu Descartes này vừa không đúng vừa không bền vững, chính vì vậy chúng ta phải rút ra từ trong suy tư đại ngàn những định hướng đạo đức để vượt khỏi Kỷ Nhân Sinh.
Philippe Chiambaretta : Ông muốn nói rằng thời đại này đòi hỏi chúng ta tái thiết lập « giao tiếp mầu nhiệm » mà độc thần luận đã cắt đứt ?
Eduardo Kohn : Tôi muốn quay lại với vài điều kỳ khôi trong khái niệm Kỷ Nhân Sinh, khái niệm bị phê bình rất nhiều song vẫn còn chưa hoàn toàn được công nhận. Một kỷ địa chất được định nghĩa dựa trên những dấu hiệu chỉ hiệu, nó chỉ hiện hữu khi nó để lại một vết tích địa chất. Điều này rất hữu ích về mặt phương pháp luận song không thật sự thấu đáo đứng trên khía cạnh của sinh thể. Kỷ Nhân Sinh đúng hơn là một chẩn đoán hay phê phán : nó lưu ý đến những cách thức mà « văn hóa » nhân loại từ nay đã trở thành một sức mạnh của « tự nhiên », theo cách nói của Bruno Latour.
Tôi không xem Kỷ Nhân Sinh là nơi mà ta sẽ ở. Nó là một phê phán về một thể cách tồn tại và về những tác động của thể cách này. Donna Haraway đã làm rõ khi dùng thuật ngữ kỳ khôi : « Chthulhucene » . Kỷ Nhân Sinh nắm bắt cách con người đang dần trở thành những sức mạnh của tự nhiên theo cách nào đó và nó cũng nắm bắt thứ gì đó về thời gian. Tôi nghĩ rằng qua việc sử dụng hình ảnh của môn địa chất học, Kỷ Nhân Sinh bắt buộc chúng ta suy tư về quá khứ, tương lai và những thời gian tính đa tạp theo những cách khác nhau, với tôi điều này rất hữu ích. Trong Kỷ Nhân Sinh, suy tư đại ngàn có thể giúp ích rất nhiều cho chúng ta, bởi vì nó nói với ta những thứ về thời gian và làm sao tương lai và quá khứ liên hệ qua lại lẫn nhau.
Việc chúng ta tự tách mình khỏi phần còn lại của thế giới có những hậu quả khủng khiếp, đây là một thực tế có tính hữu thể học, và Kỷ Nhân Sinh báo động với ta về điều này. Khi chúng ta đơn giản hóa tối đa hệ sinh thái hoàn toàn vì lợi ích của ta, ta tạo ra những thế giới nơi ta thậm chí không cần biết rác của mình đi về đâu, nơi đó chúng ta hoàn toàn ngắt mọi kết nối với những hậu quả sinh thái từ hành động của mình, đây thật sự có vấn đề. Với một lăng kính lý thuyết thích hợp chúng ta có thể nhận ra rằng bản thân mình không thật sự tách khỏi thế giới, song phân cực đang ngày một rõ ràng hơn và điều này thể hiện một mối nguy thật sự.
Với tôi cốt yếu cần nhấn mạnh vào những đặc điểm hữu thể học của biểu trưng, bởi chúng tạo ra sự chia tách. Đây không phải là một sai lầm, mà là một thể cách tồn tại. Lẽ dĩ nhiên, những biểu trưng không bao giờ hoàn toàn tách khỏi thế giới từ đó chúng sinh ra và là nơi mà chúng tham chiếu đến, đây là lí do mà tôi nói : « Thay vì theo đuổi những nghiên cứu lý thuyết về sự chia tách, hãy làm công việc khái niệm về sự kết nối. »
Chúng ta cần phải ý thức về những kết nối chứ không chỉ về những khác biệt. Mối nguy của một thứ « hữu thể học phẳng » là nó đề xuất đặt con người và không phải con người ở một mặt phẳng. Nếu chúng ta nói rằng về mặt bản chất mọi thứ đều như nhau, thì làm thế nào có thể khám phá và nâng cao những dạng hình khác biệt về đặc tính hữu thể học ?
Khám phá hữu thể học mà tôi đang sử dụng khi thử giải thích những khu rừng tư duy « như thế nào » là một công cụ mạnh mẽ song cũng nguy hiểm và có giới hạn. Giống như tất cả nhà nhân học, tôi nhất thiết không đồng ý với những người bản địa mà tôi làm việc cùng, bởi vì trong hệ quy chiếu của tôi, một hòn đá không thể nào là một sinh thể được. Song người Runa thì hoàn toàn cho rằng hòn đá sống, và mặt khác, khi sử dụng chất thức thần cùng với họ – nhất là ayahuasca – tôi lại nắm bắt được khía cạnh hoạt sinh của đá. Đây chính là sức căng mà tôi phải làm việc.
Tôi không muốn né tránh công việc khái niệm năng sản mà mình đang làm về suy tư đại ngàn, song tôi hoàn toàn nhận thức rằng điều này có thể đóng lại những khả năng khác. Hy vọng của tôi là suy tư đại ngàn cuối cùng sẽ khiến một khái niệm xuất hiện với mình, giúp cắt nghĩa tất cả những việc này.
Philippe Chiambaretta : Ông tiếp tục theo đuổi công việc về suy tư đại ngàn như thế nào ?
Eduardo Kohn : Hiện tại tôi đang làm việc cùng với những cộng đồng nam-trung Amazon, ở đó không có đường xá, chỉ có thể tiếp cận bằng máy bay hoặc thuyền độc mộc. Những người bản địa duy trì những mối liên hệ tâm linh với rừng trong khi vẫn nhận thức rất rõ ràng thực tại thế giới và liên đới chính trị với nó theo cách rất tinh tế. Bằng việc sử dụng những đặc điểm của suy tư đại ngàn, họ cho phép khu rừng có thể nghĩ thông qua họ. Họ đang xây dựng một cách tiếp cận chính trị dựa trên những gì rừng nói với mình và tôi làm việc với họ trên chủ đề này. Tôi cũng đang thực hiện một bộ phim với Lisa Stevenson, cũng là giảng viên nhân học giống tôi ở McGill. Phim ảnh là thứ gần nhất với suy tư bằng hình ảnh và với suy tư đại ngàn.
Ghi chú
1. Sinh vật đơn bào nhân thực
2.Từ « Cthulhu », một loài nhện song cũng là một quái vật nửa người, nửa bạch tuộc do Howard Phillips Lovecraft tưởng tượng.