Vô hình và Cụ thể: Ghi chú về Kiến Trúc và Trừu Tượng-Pier Vittorio Aureli

Vô hình và Cụ thể: Ghi chú về Kiến trúc và Trừu tượng- Pier Vittorio Aureli

Tạp chí e-flux #64 — Tháng Tư 2015

Người dịch : Đậu Sỹ Nghĩa

Hiệu đính : Nguyễn Anh Cường – Nhabe Scholae 

Làm thế nào để tái tạo thực tại bên trong tư duy? Làm thế nào để xây dựng một bộ phạm trù cho phép ta hiểu và tái hiện được những điều kiện xã hội phức tạp? Đó là những câu hỏi mà Marx tự hỏi khi đối mặt với nhiệm vụ mô tả thực tại của các phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Ông lưu ý rằng khi mà những vật trừu tượng như tiền bạc thống trị thế giới và định hình tất cả các mối quan hệ xã hội, thì khó mà tách biệt cái trừu tượng với cái hiện thực, cái hữu hình khả giác với cái vô hình, cái cụ thể với ý niệm. Theo cách khác, điều này cũng đúng với kiến trúc và thế giới đô thị. Sự biểu hiện rõ rệt nhất của kiến trúc của đô thị là trong các khối không gian vững chắc, song việc ra đời và vận hành của những thứ này lại phụ thuộc rất nhiều vào tổ hợp của những trừu tượng như là phương pháp thiết kế, quy ước thể hiện (ví dụ mặt bằng và mặt cắt), tỷ lệ, chức năng, luật xây dựng, hệ thống đo lường, và tham số tài chính. Đối với thực tế này, nỗ lực phân biệt và chia tách cái “cụ thể” với cái “trừu tượng” gần như vô nghĩa, bởi vì trong lòng chủ nghĩa tư bản, hai thứ này đã quyện vào nhau quá sâu đến mức mà chúng ta chỉ có thể nói về một điều kiện duy nhất, trong đó, trừu tượng là cụ thể, và cụ thể – ngay cả vật hữu hình vật lý nhất – luôn luôn là một trường hợp của cái trừu tượng. Lấy ví dụ một trong những hình ảnh nổi tiếng nhất của kiến trúc hiện đại: bản vẽ bộ khung kết cấu Ngôi nhà Dom-ino của Le Corbusier, hình mẫu cho nhà ở hàng loạt, nơi mà kết cấu được quy giản thành bản sàng ngang và cột mỏng. Trong mô tả này của kết cấu nhà này, chúng ta thấy được hai điều kiện có vẻ đối lập của kiến trúc, theo cách nói của Adolf Max Vogt, là sự tinh khiết hoàn hảo và thực tế sống sượng. [i] Trong khi sự tinh khiết hoàn hảo là vẻ trần trụi của kết cấu, thì thực tế sống sượng là hệ thống xây dựng của nó, nơi Le Corbusier áp dụng công nghệ của kiến trúc công nghiệp vào kiến trúc nhà ở. Trong ví dụ này, chúng ta thấy được làm thế nào mà sự trừu tượng trong kiến trúc lại gắn chặt vào tiến trình sản xuất công nghiệp. Ở đây sự trừu tượng tự hiển lộ vừa như là tiến trình, vừa như là hình thái làm sáng tỏ điều kiện sản xuất (công nghiệp) của nó. “Trừu tượng” đến từ động từ trahere trong tiếng La tinh, có nghĩa là rút một thứ cốt yếu ra khỏi tổng thể mà nó đang tham gia. Sự trừu tượng là tiến trình qua đó con người tìm cách nắm được bộ khung khởi sinh hơn là giải pháp cụ thể. Chính bởi lý do này mà sự trừu tượng vừa nhân tạo, và trong sâu thẳm vừa rất con người, bởi vì khả năng trừu tượng, tức việc tạo ra ý tưởng khái niệm từ vô số dữ kiện kinh nghiệm chính là điều giúp phân biệt con người khỏi những loài sinh vật khác.[ii]

Trong phần tiếp theo, tôi mong muốn định nghĩa mối quan hệ giữa trừu tượng và kiến trúc, nhưng sẽ tránh cái bẫy xem trừu tượng như một phong cách. Để làm được việc đó, đầu tiên, tôi sẽ xem xét trừu tượng như là khái niệm và điều kiện trọng tâm của xã hội tư bản chủ nghĩa. Sau đó, tôi sẽ chỉ ra làm thế nào mà hệ hình nền tảng của văn hóa kiến trúc – ví dụ sự trỗi dậy của việc thiết kế như là thực hành phân biệt với việc xây dựng, phát minh ra phép phối cảnh, và diễn ngôn về đô thị hóa –  có thể được nhìn nhận như hóa thân của những ảnh hưởng của sự trừu tượng lên thế giới. Chỉ thông qua việc thấu hiểu những tiền đề lịch sử của sự trỗi dậy của trừu tượng như là hình thái phổ biến của kinh nghiệm trong nền văn minh tư bản và ảnh hưởng của nó lên hình thái kiến trúc đô thị, thì mới có thề xây dựng một ý tưởng kiến trúc vừa phù hợp, vừa phê phán đối với sự trừu tượng xét như là điều kiện lịch sử trong đó chúng ta đang cư lưu.

[i] Adolf Max Vogt, Le Corbusier, the Noble Savage: Toward an Archaeology of Modernism, bản dịch Radka Donnell (Cambridge: MIT Press, 1998), 24.

[ii] Về sự trừu tượng như một phần bản thể học của trải nghiệm nhân sinh xem: Paolo Virno, Convenzione e Materialismo. Unicità senza aura (Roma: Edizioni Theoria, 1986).

Le Corbusier, Maison Dom-ino, 1914, Đồ án không xây dựng

1.

Giải quyết sự trừu tượng là một trong những vấn đề cấp thiết nhất về phương pháp luận đối với Marx.[i] Đi theo Hegel, ông tin rằng phương pháp luận đúng đắn để hiểu cái thực tại cụ thể phải đi từ trừu tượng đến cụ thế. Với Marx, thực tại chỉ có thể được tái cấu trúc trong tư duy qua việc xem trọng cái trừu tượng đơn giản và tổng quát nhất như là hiện thân của cái cụ thể. Như vậy, những cái trừu tượng với Marx không phải là phạm trù tiên nghiệm mà là kết quả cuối cùng của việc phân tích cái cụ thể, mặc dù chúng là điểm khởi đầu cho bất kỳ mọi nỗ lực tạo ra một tái hiện chính xác của thế giới. Khi đó, những cái trừu tượng thoát ra khỏi mâu thuẫn truyền thống giữa cụ thể và trừu tượng, giữa vô hình và hữu hình, chính bởi những cái trừu tượng đều cụ thể. Với Marx, một ví dụ của cái trừu tượng có tính cụ thể là khái niệm lao động, không phải như một hành động đặc thù, mà là lao động nói chung. Marx nhận thấy rằng Adam Smith có thể khám phá ra lao động như một phạm trù trừu tượng tổng quát của hoạt động tạo ra của cải là bởi vì với sự xuất hiện của công nghiệp hóa, lao động bị quy giản lại về những điểm trần trụi nhất của nó sau khi bị tước đoạt hết tính cá nhân của người lao động. Khác với các nhà kinh tế học trọng nông (physiocratic economists) luôn xem lao động xét như lao động nông nghiệp, với Smith, lao động nói chung không thể quy về bất kỳ hoạt động nào như là sản xuất, nông nghiệp, hay thương mại. Tuy nhiên, trong khi Smith đã bản chất hóa phạm trù lao động nói chung, tức là như một phạm trù phi thời tính có thể áp dụng trên toàn bộ chiều dài lịch sử, Marx lại hiểu rằng lao động xét như phạm trù chung chỉ có thể tồn tại như là cái kết quả đến từ sự phát triển có tính lịch sử của chủ nghĩa tư bản. Ông viết: “Như vậy, những sự trừu tượng chung nhất nói chung chỉ xuất hiện từ trong những sự phát triển cụ thể phong phú nhất, khi một thứ thể hiện ra là chung cho nhiều bên, cho tất cả.”[ii] Trong một xã hội tư bản phát triển, luận lý – tức sự tái cấu trúc của vô số sự vật và sự kiện trong một hệ thống tư duy “khoa học” chặt chẽ – không đơn giản là sự mô tả thực tại, mà là điều làm cho thực tại vận hành. Điều thú vị cần lưu ý ở đây là Marx không chỉ xem sự trừu tượng như một phạm trù phương pháp luận mà còn là hình thái cuộc sống dưới thời chủ nghĩa tư bản. Marx đi đến kết luận rằng, trong những xã hội công nghiệp phát triển nhất – như là nước Mỹ dưới thời của ông – trừu tượng đã trở thành một đặc tính (ethos). Ở phần quan trọng trong phần dẫn nhập cho Grundrisse (Cơ sở), ông viết:

Mặt khác, sự trừu tượng của lao động nói chung không đơn thuần là sản phẩm tinh thần của toàn bộ lao động cụ thể. Sự không phân biệt giữa các hình thức lao động đặc thù tương ứng với một hình thái xã hội trong đó các cá nhân có thể dễ dàng chuyển từ lao động này qua lao động khác, và trong đó một loại lao động đặc thù với họ là vấn đề ngẫu nhiên, cho nên không cần phân biệt. Ở đây, không chỉ ở trên phương diện phạm trù, mà trên thực tế lao động đã trở thành phương tiện tạo ra của cải nói chung và không còn gắn kết hữu cơ với các cá nhân cụ thể dưới bất kỳ một hình thức đặc thù nào. Trạng huống như vậy đạt mức phát triển cao nhất trong hình thức hiện đại của sự tồn tại xã hội tư sản – tức ở Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Như vậy, ở đây, lần đầu tiên xuất phát điểm của kinh tế hiện đại, tức sự trừu tượng của phạm trù “lao động”, “lao động nói chung”, lao động thuần túy, đã trở thành chân lý trong thực tiễn.[iii]  

Từ bước chuyển này, rõ ràng Marx đã hiểu trừu tượng như là sản phẩm của những hoàn cảnh lịch sử trong đó, việc bóc lột lao động con người trên quy mô rộng khắp trở thành mục tiêu nền tảng của tiến trình kinh tế. Tuy nhiên, điều làm cho lao động trở nên trừu tượng như vậy không chỉ bởi lao động tổng quát là tổng hợp của muôn vàn hình thức sản xuất, mà đúng hơn là lao động đã trở thành hàng hóa, tức điều có thể đo đếm được xét trong một hệ thống trừu tượng cao nhất của sự quy đổi phổ quát: tiền tệ. Bên trong lịch sử của chủ nghĩa tư bản, chính nhu cầu của việc biến mọi thứ tồn tại có thể đo đếm được dựa theo một hệ thống tương đương phổ quát đã thúc đẩy sự trỗi dậy của trừu tượng.

 2.

Trong tác phẩm quan trọng Lao động trí óc và tay chân (Intellectual and Manual Labor), Alfred Sohn-Rethel đã nhìn thấy hình thức hàng hóa của sự vật và con người như là nguồn gốc nền tảng của sự trừu tượng.[iv] Nếu ở trong điều kiện của sử dụng khi thời gian và không gian gắn kết chặt chẽ với tự nhiên và hoạt động vật chất của con người, thì trong hoạt động trao đổi, thời gian và không gian bị loại bỏ hết mọi phẩm tính của chúng và trở thành những đại lượng đơn thuần xét như thước đo giá trị. Như Sohn-Rethel ghi nhận, trong thực hành trao đổi, khi mà hàng hóa phải đi qua những chặng đường dài và khi mà thời tính của chúng bị treo trong quá trình trao đổi, không gian và thời gian hoàn toàn trở thành đồng chất và liên tục nhằm không cản trở sự tính toán trao đổi. Ông viết:

Dưới ảnh hưởng của trao đổi hàng hóa, không gian và thời gian trở thành trừu tượng, được đặc trưng bởi tính đồng chất, sự liên tục và sự vắng bóng tất cả nội dung tự nhiên và vật chất, hữu hình hay vô hình (ví như không khí). Sự trừu tượng trao đổi loại trừ mọi thứ tạo thành lịch sử, tính người hay thậm chí lịch sử tự nhiên. Toàn bộ thực tại khả nghiệm của các sự kiện và của các mô tả mà qua đó sự định vị của thời gian và không gian có thể được phân biệt nay đã bị xóa bỏ. Như vậy, thời gian và không gian đã thừa nhận tính chất phi thời gian và phổ quát một cách tuyệt đối về lịch sử đó, chúng phải đánh dấu sự trao đổi trừu tượng như là một tổng thể cùng với các đặc điểm của nó.[v]      

Đối với Sohn-Rethel, sự nhân bội của các thực hành trao đổi là kết quả của những trừu tượng về tư duy như toán học, đo lường và hình học. Một món hàng như là vật hay người không thể được trao đổi xét về mặt hình dạng hay về tính nhất quán. Tuy nhiên, khi được đem ra mua bán, nó phải tham gia vào một hệ thống tương đương – tức hệ thống tiền tệ mà trong đó tất cả hàng hóa đều có thể được trao đổi. [vi] Vì lí do này và theo Sohn-Rethel, hình thức của hàng hóa là trừu tượng và tính trừu tượng là đặc điểm của loại tiến trình kinh tề sản xuất hình thức hàng hóa. Bắt đầu từ thế kỷ mười bốn, thực hành trao đổi đã áp đặt một cách làm khác biệt triệt để về mặt trải nghiệm thế giới thông qua lăng kính của tri thức trừu tượng. Sohn-Rethel nhận diện sự sinh sôi của tri thức trừu tượng như là nguyên nhân của việc phân tách giữa lao động tay chân và trí óc, bởi lao động trí óc mang tính quyết định trong việc thiết lập tất cả tham số khoa học cho sản xuất và trao đổi. Theo cách nhìn của Sohn-Rethel, Marx đã không thể liên hệ giữa hình thức trừu tượng của hàng hóa như được sinh ra từ bộ máy trao đổi với tri thức luận đã sản tạo tất cả trừu tượng nhận thức cần thiết cho hoạt động trao đổi. Chính bởi vậy, Sohn-Rethel đã truy lại sự phân biệt giữa lao động chân tay và trí óc ở những biểu hiện xa xưa nhất trong lịch sử; ví dụ khi ông nhắc đến nhận định của Herodotus về nguồn gốc của ngành hình học (geo-metry) ở Ai Cập Cổ Đại, sinh ra cùng với thực hành chuyên nghiệp của “người kéo dây.” Thực hành này, trong đó dây thừng được sử dụng để làm việc đo đạc cần thiết cho việc xây dựng đền thờ và kho chứa, đã có được những ứng dụng đặc biệt nhằm chia lại đất đai mỗi năm khi nó trồi lên sau cơn lụt sông Nile. Chính trong bối cảnh đó mà những bài toán căn nguyên của hình học được định ra, như bài toán chia ba của một góc, hay sự tăng giảm các khối tích, gồm cả việc nhân đôi khối vuông. Với Sohn-Rethel, những niên lịch tỉ mỉ hay thậm chí ngành chiêm tinh học đã bị lột đi hào quang thần linh khi chúng ta đã hiểu được làm cách nào mà chúng đã làm công cụ nâng cao đặc quyền trong việc định lượng đo đếm của tầng lớp thống trị, như quan lại và tăng lữ. Với sự trỗi dậy của tư hữu và khả năng trao đổi tiền bạc từ sản phẩm, tính trừu tượng của toán học và hình học trở thành một năng lực xã hội ở mọi nơi. Tuy nhiên, trong khi dưới thời cổ đại, năng lực này giới hạn ở trao đổi hàng hóa như những vật dụng, thì với sự xuất hiện của tính hiện đại, sự trừu tượng trao đổi và sự tương đương giá trị bắt đầu bao gộp cả lao động của con người, bởi lao động không còn là lao động nô lệ không lương, mà lao động có thể được bán và mua như một thứ hàng hóa giữa những công dân “tự do.” Ở đây, lao động không còn dựa trên những trao đổi vật chất trực tiếp; nó phụ thuộc vào tư bản. Chính ở đây mà lao động trở thành thứ mà Marx định nghĩa như lao động trừu tượng.

[i] Marx đặc biệt thảo luận về vấn đề trừu tượng trong lời giới thiệu của sách Grundrisse. Xem Karl Marx, Grundrisse: Foundations of the Critique of Political Economy (London: Penguin Classics, 1993), 81 – 114.

[ii] Sách đã dẫn, trang 104.

[iii] Sách đã dẫn, trang 104.

[iv] Afred Sohn-Rethel, Intelllectual and Manual Labor: A Critique of Epistemology (London: The MacMillan Press, 1978).

[v] Sách đã dẫn, trang 35.

[vi] Sách đã dẫn, trang 35.

Hình ảnh người kéo dây thời Ai cập cổ đại được vẽ trong hầm mộ Menna, Luxor (1200 trước Công Nguyên)

Như vậy, kết quả nền tảng của việc ra đời lao động trừu tượng là sự chuyển tiếp từ lao động thủ công sang lao động công nghiệp. Trong khi thợ thủ công làm chủ sự sản xuất thông qua kiến thức thực tế và tài khéo đôi tay, thì công nhân tại dựa vào phương tiện sản xuất, khi mà công nghệ và sự tính toán trở nên cốt yếu. Ở đây, chúng ta tìm thấy raison d’être của sự trừu tượng như là cách thức thúc đẩy phân chia lao động. Hơn nữa, sự khẳng định tri thức trừu tượng như là động lực của sản xuất tư bản chủ nghĩa không chỉ giới hạn trong kinh tế mà còn làm nổi bật một hình thức sống mới, trong đó, trừu tượng trở thành nền móng cho việc trải nghiệm thế giới. Chính tại điểm gặp gỡ này mà chúng ta nhìn thấy kiến trúc xét như là đồ án sẽ được thực hành bởi một chuyên gia mới: tức kiến trúc sư. Dĩ nhiên, bước chuyển từ người xây như là thợ thủ công sang kiến trúc sư xét như là một trí thức chuyên môn với gia tài tri thức gần gũi với khoa học khai phóng hơn lãnh vực thủ công, tiến trình này không rạch ròi như vậy. Filippo Brunelleschi, có thể xem là “kiến trúc sư” đầu tiên thực hành như là một chuyên gia bên ngoài các phường hội thợ mộc hay thợ xây, là một thợ kim hoàn, và cách tiếp cận kiến trúc của ông bắt rễ rất sâu trong tri thức thủ công thực hành. Kiến thức toán học sâu sắc của ông cùng với sự khinh thường khả năng ra quyết định của những người xây dựng khiến ông trở thành ví dụ kiểu mẫu trong cách đào tạo kiến trúc như là lĩnh vực tách biệt rõ ràng với thực hành xây dựng, công việc mà từ nay về sau sẽ trở thành việc hiện thực đồ án của kiến trúc sư.[i].

Vitruvius đã từng nhấn mạnh sự khác biệt giữa kiến trúc xét như là đồ án với kiến trúc xét như là thực hành xây dựng khi ông đề xuất phân biệt giữa ratiocination fabrica: ratiocinatio liên quan đến lý luận, đến việc lên ý tưởng về công trình trước khi nó được xây; fabrica liên quan đến thực hành xây dựng.[ii] Thông qua tầm quan trọng của một hình thức lý luận trong đó hình học, tính toán, kinh tế và quản trị tài nguyên đóng vai trò chủ chốt, cái trừu tượng trở thành cái cụ thể bên trong hình thái kiến trúc. Hình thái không còn là sản phẩm từ bàn tay cá nhân, mà là kết quả của kiến thức “học thuật” được xã hội hóa, tạo ra từ những quy chuẩn trừu tượng – như việc sử dụng phép chiếu và hệ thống đo lường chính xác.

Điều thú vị là Sohn-Rethel đã bàn đến một tác phẩm lý thuyết của nghệ sỹ người Đức Albrecht Dürer như một biểu hiện mâu thuẫn của tầm quan trọng của lao động trí óc trong trao đổi kinh tế ở chủ nghĩa tư bản thời kì đầu. [iii] Dürer không phải là kiến trúc sư, nhưng những quan tâm lý thuyết của ông, đặc biệt là trong lĩnh vực đo đạc, phối cảnh và kỹ thuật quân sự, bao rộng nền văn hóa thiết kế của buổi đầu thời Phục Hưng. Quyển sách Hướng dẫn đo đạc bằng com-pa và thước (Instructions for Measuring with Compass and Ruler) của ông là quyển sách toán học đầu tiên mà cả tác giả lẫn độc giả nhắm tới, trong suy nghĩ của Dürer là thợ kim hoàn, thợ mộc, họa sỹ, nhà điêu khắc và thậm chí kiến trúc sư, đều không phải là nhà toán học.

Khác với Brunelleschi, người luôn giấu đi các kỹ thuật và bản vẽ của mình, Dürer muốn truyền thụ cho người thợ một phương pháp vẽ những đối tượng hình học phức tạp qua phép toán học tiến bộ nhất. Nỗ lực của ông tập trung vào việc hợp nhất đầu óc và đôi tay bằng việc khuyến khích thợ thủ công tận dụng kiến thức toán học mà không cần trở thành người lao động trí óc toán học. Tuy nhiên, như Sohn-Rethel ghi nhận, đồ án này đã thất bại. “Không tưởng xã hội” của Dürer về việc người thợ thủ công được trao quyển để họ có thể vẫn là những người sản xuất độc lập đã mâu thuẫn với những khó khăn không thể tránh khỏi khi họ và những nghệ sỹ phải học một tổng bộ tri thức mà sự phức tạp của nó vốn dễ tiếp thu bởi các nhà khoa học như Galileo hơn là các nghệ sỹ như Michelangelo hay Titian. Bernard Cache nhìn nhận rằng Hướng dẫn của Dürer là một luận thuyết tạo ra từ phương thức thực hành chứ không phải từ đề xuất lý thuyết, ví dụ những thuật toán được minh họa bằng các đối tượng hình học.[iv]Nhờ tính trừu tượng nhất quán của chúng, các phương thức này có thể áp dụng vào vô số trường hợp bởi rất nhiều người sản xuất khác nhau. Như vậy, Hướng dẫn đo đạc bằng com-pa và thước là ví dụ rõ ràng nhất vào buổi giao thời thế kỷ mười sáu cho sự mở rộng mà hành vi thiết kế đã không chỉ bao gộp lấy những kiến thức vượt ra ngoài vật thủ công theo hướng đồ vật của nền văn hóa truyền thống thợ thuyền mà còn trở thành kiến thức khoa học trừu tượng với những phương thức độc lập khỏi mọi hình thức áp dụng cụ thể. Chính trong kiến thức trừu tượng này – nơi toán học đóng vai trò nền tảng như nút giao của các thực hành khác nhau – mà một trong những cái trừu tượng quyền năng nhất của nền văn minh chúng ta đã được định hình, ở đó vũ trụ của giá trị trao đổi đã tìm thấy sự diễn dịch của mình trong cách chúng ta nhìn và định lượng không gian: ở luật phối cảnh.

 

[i] Xem: Mario Carpo, The Alphabet and the Algorithm (Cambridge: MIT Press, 2011). Xem thêm: Sergio Rossi, Dalle botteghe alla accademie. Realtà sociale e teorie artistiche a Firenze dal XIV al XVI secolo (Milan : Feltrinelli, 1980), 54-73.

[ii] Sách đã dẫn.

[iii] Sách đã dẫn, trang 113 – 16.

[iv] Bernard Cache, bài giảng tại Environment Review Days, 10-12Tháng Tư, 2013, một hội thảo tập trung vào chủ đề « The Project. » Tổ chức bởi The Strong Research Environment Architecture ở Making, Stockholm School of Architecture.

Trang 30 bản dịch tiếng La tinh của quyển sách Luận thuyết về Đo lường (Treatise on Mensuration) của Albrecht Dürer (1538) minh họa cách xây dựng một hình ê-líp.

3.

Theo truyền thống, Brunelleschi vẫn thường được ghi nhớ qua việc đưa luật phối cảnh xây dựng bằng toán học vào trong lĩnh vực nghệ thuật thị giác. Phép chứng minh của ông nằm ở hai bức tranh với hiệu ứng phối cảnh kinh ngạc, tái hiện hai công trình công lớn nhất thời đó ở Florence: nhà rửa tội và Palazzo Pubblico, tức tòa thị chính của thành phố. Tuy nhiên, những bức tranh này không để treo lên tường mà để được nhìn ngay chính tại nơi mà chúng được vẽ. Brunelesschi đục một lỗ ngay chính điểm tụ phối cảnh của bức tranh, qua đó cho phép người xem có thể nhìn thấy hình vẽ phản chiếu trên một tấm gương đặt trước mặt họ. Khi bỏ tấm gương ra, người xem có thể cảm nhận được sự trùng khớp giữa phiên bản hình vẽ của công trình và bản thân chính công trình. Điều quan trọng nhất trong chứng minh này không phải là hình ảnh được vẽ giống như thế nào với đối tượng thực tế được vẽ, mà là việc sự giống nhau giữa hình vẽ và nhà rửa tội thật có thể được xây dựng một cách toán học chặt chẽ. Nói cách khác, hiệu ứng phối cảnh kinh ngạc của hình vẽ đạt được là nhờ đo đạc chính xác các kích thước của nhà rửa tội và những công trình xung quanh, rồi sau đó sử dụng những phép đo này làm nền tảng của chính phép phối cảnh. Chứng minh của Brunelleschi chỉ ra việc làm thế nào mà phép phối cảnh không đơn thuần là sự tái hiện không gian ba chiều, mà đúng hơn là một kiến tạo toán học hàm ẩn khả năng làm chính không gian ba chiều có thể đo đếm được. Như vậy, sơ đồ chung nhất của góc nhìn phối cảnh là lưới đẳng hướng mà những đường tụ biến không gian thành một thực thể có khả năng đo đạc hình học. Bằng việc làm toàn bộ không gian vô biên có thể đo đếm được, phép phối cảnh cho phép kiến trúc sư kiểm soát không chỉ chính bản thân các cơ thể đặc mà còn cả không gian bao quanh chúng.

Brunelleschi đang cố gằng chứng minh phương pháp phối cảnh của mình thông qua một so sánh tại chỗ giữa bức tranh và công trình mà nó mô tả.

Trong bài luận nổi tiếng của mình Phối cảnh như là Hình thái biểu tượng (Perspective as a Symbolic Form), Erwin Panofsky luận rằng góc nhìn phối cảnh về bản chất là một phong cách thấu thị mà mục đích của nó muốn tiệm cận góc nhìn tự nhiên của không gian và vật. Cùng lúc, ông nhận ra rằng phép phối cảnh là một cách nhìn được kiến tạo rất cao, khác xa với nhãn quang của ta.[i] Như vậy, phối cảnh là hệ thống mà trong đó sự tri giác không còn được hiểu như những ấn tượng thoáng qua, mà như là khả thể của một tri thức vững chắc và có thể chia sẻ được của sự vật.

Chính vì thế mà phép phối cảnh phải được xem xét không chỉ đơn giản như kỹ thuật, mà là một hệ khung tri thức luận trong đó hành vi nhìn thế giới được tái khám phá dựa trên nền tảng khoa học. Tuy nhiên, để một hệ thống như vậy hoạt động, cần quy giản kinh nghiệm về không gian về cái trừu tượng của không gian toán học. Đây là nghịch lý tối thượng của phép phối cảnh: một mặt, nó được dự định như một tái hiện không gian chân thật của mắt người; mặt khác nó lại là một kiến tạo mà nguyên tắc là phải loại bỏ những bị biệt của việc nhìn, quy giản ánh nhìn vào sự xác tín của một công thức có thể lặp lại. Theo đó mà phép phối cảnh không thật sự được xem là một phát kiến trong việc thể hiện, mà như một cuộc cách mạng trong khái niệm về không gian. Hans Belting ghi nhận việc làm thế nào mà sự phát triển của phép phối cảnh toán học ở Florence buổi đầu thế kỷ mười lăm lại liên hệ với lý thuyết không gian toán học được nhà toán học, triết gia, và nhà thiên văn thế kỷ mười bốn Biagio Pelacani đưa vào.[ii] Theo Pelacani, hình học và toán học là phương tiện duy nhất mà có thể vươn đến mức độ xác tín cao nhất về các vật trong không gian. Vấn đề của việc định hình một vật thật trong không gian là khả năng định lượng khoảng cách giữa chúng. Như vậy, bên trong không gian toán học của Pelacani, khi đã biết số đo của một vật thể, chúng ta có thể đo được những vật khác bên cạnh và không gian ở giữa. Ở đây, phép phối cảnh hoạt động như một hình học phóng chiếu liên kết toàn bộ không gian vào bên trong một hệ thống đồng đẳng (commensurable).  Trước thời Phục Hưng, không gian rỗng được nhận thức như là chân không, tức lỗ hổng không thể nắm được do tính vô hình và bất đồng đẳng của nó. Với không gian toán học của Pelacani, không gian rỗng không còn là một thực tại bất đồng đẳng, nằm ngoài thế giới của các vật thể vật lý nữa mà là một không gian được định lượng, nó đo lường các vật chứa ở bên trong. Một không gian rỗng như vậy vừa có thực, vì nó cho phép người xem nhìn định vị mình trong không gian, nhưng cũng vừa trừu trượng, vì nó được kiến tạo theo các mối liên hệ toán học.

[i] Erwin Panofsky, Perspective as Symbolic Form, bản dịch Christopher Wood (New York: Zone Books, 1991), 31.

[ii] Hans Belting, Florence and Baghdad: Renaissance Art and Arab Science (Cambridge, MA: Belknap Press, 2011), 150-62.

 

Leonardo da Vinci, Nghiên cứu cho Sự chầu phụng của các Đạo sĩ, 1481.

Ảnh hưởng của không gian phối cảnh đã vượt xa khỏi sự trừu tượng toán học, nó trở thành hình hài của chính bản thân không gian vật lý. Không có ảnh hưởng của góc nhìn phối cảnh, người ta sẽ không tài nào hiểu được việc quy củ hóa không gian đô thị theo các nguyên tắc hình học ở thế kỷ mười lăm. [i] Sử dụng phối cảnh toán học cần thiết cho việc đo đạc và quy hoạch các không gian quy củ rộng lớn. Bản thân kiến trúc bắt đầu được tưởng tượng như là hệ khung phối cảnh trong đó các chuỗi thành tố như cột, vòm cuốn có thể là hóa thân vật lý của một không gian hợp nhất, đơn chất và như vậy, có hệ thống. Kiến trúc của Brunelleschi là ví dụ điển hình cho việc làm thế nào mà sự trừu tượng của phép phối cảnh đã trở thành kiến trúc. Khác với kiến trúc trung cổ và gô-tích, kiến trúc của ông lại có tính cú pháp một cách cực độ.[ii] Như ta biết, ngôn ngữ kiến trúc cách tân của Brunelleschi cốt nằm ở sự phối hợp “lý tính” của các bộ phận công trình trong một tổng thể nhất quán. Công cụ của sự phối hợp đó là việc sử dụng hệ thống cột và vòm cuốn (luôn nội tiếp trong nửa hình vuông). Theo cách này, Brunelleschi đưa vào một ngôn ngữ kiến trúc trong đó mọi công trình đều bị thống trị bởi một disegno (họa đồ) tổng quát. Ví dụ, trong Ospedale degli Innocenti, toàn bộ phức hợp được xác định bởi chính mô-dun trưng ra trong lô-gia đối diện quảng trường. Việc Brunelleschi sử dụng các yếu tố trang trí chuẩn hóa, trong màu xám “trừu tượng” của pietra serena, đã tước đi tính tự trị của người thợ bằng việc loại đi những diễn giải của họ về các yếu tố trang trí nhằm, đổi lấy một thiết kế toàn diện, được kiểm soát bởi kiến trúc sư. Brunelleschi, vốn quen thuộc với kiến trúc La Mã cổ đại, đã rút từ đó khả thể của một phương pháp về thiết kế. Tuy nhiên, bản thân kiến trúc La Mã không có tính hệ thống như ông nghĩ. Ngoài những công trình chủ chốt như Coliseum, thể hiện một sự chồng lặp mạch lạc các thức cột khác nhau, thì những tàn tích của kiến trúc La Mã lại chứng minh cho một sự đa dạng rất lớn, không thể quy giản về cái ngữ pháp thức cột “cổ điển”. Thay vào đó, ngôn ngữ kiến trúc của Brunelleschi lại dựa trên tính mô-dun chặt chẽ mà trong đó vật trang trí trở thành công cụ phục vụ cho việc xác nhận thị giác mối quan hệ giữa mỗi yếu tố và cái tổng thể. Trong ý tưởng của ông về kiến trúc, công trình không còn là tạo tác hữu hạn đơn nhất mà là hệ thống có thể mở rộng đến vô tận.

[i] Rất lâu trước khi là phát kiến của thể kỷ 15, phối cảnh dưới hình thức không gian định lượng toán học đã được sử dụng trong việc thiết kế những không gian công cộng chính ở Florence. Xem Marvin Trachtenberg, Dominion of the Eye: Urbanism, Art and Power in Early Modern Florence (New York: Cambridge University Press, 1999)

[ii] Xem Arnaldo Bruschi, “Considerazioni sulla “maniera matura » del Brunelleschi trong Arnaldo Bruschi, L’antico, la tradizione, il moderno da Arnolfo a Peruzzi, saggi sull’architettura del Rinascimento (Firenze: Electa, 2004), 87-122.

Chi tiết hàng hiên trong công trình Ospedale degli Innocenti của Brunelleschi minh chứng cho việc sử dụng lặp lại các mô-đun.

Chính sự vô tận của hệ thống này là hóa thân rõ nhất cho lô-gích phối cảnh xét như là không gian có tiềm năng gắn kết và thuần nhất trong đó, mọi thứ đều đồng lượng. Và chính tính đồng lượng (commensurability)  đã cho phép phép phối cảnh trở thành sự hóa thân trong không gian của một thế giới nơi mà sự tương đương của giá trị trao đổi thống trị. Không phải ngẫu nhiên mà phối cảnh toán học lại được phát minh ở Florence: suốt từ thế kỷ 12 đến thế kỷ 15, nơi đây đã trở thành thành một trong những thành phố có nền kinh tế phát triển nhất của thế giới phương Tây cùng với vai trò quyết định của giới thương gia và đặc biệt nhất là giới ngân hàng. Trong bối cảnh này, sự tiến bộ được thúc đẩy trong tính toán và toán học. Như Sohn-Rethel viết: “Tư bản và toán học tương quan với nhau: một cái ảnh hưởng lên nền kinh tế, cái còn lại cai trị năng lực trí thức của sản xuất xã hội.”[i]

Nếu sự trừu tượng của phép phối cảnh đặt ra một thế giới có thể đo đếm thông qua tính toán và các quan hệ tỷ lệ, ý niệm đô thị hóa quy giản thế giới về sự trừu tượng của thông tin và dữ liệu như là sự tăng trưởng dân số hay bản đồ mà chúng ta dựa vào đó để định hướng bản thân. Sự trừu tượng này đã không còn “ảo” (virtual) nữa mà được cụ thể hóa trong những gì được họa sỹ Peter Halley mô tả như là thành phố hiện đại: tức sự khai mở toàn hiện những cấu trúc hình học, như nhà cửa và sự lưu chuyển, trong đó nhân sinh bị phân luồng, đo đạc và tái tạo. [ii]

Vào năm 1867 – cùng năm mà Marx cho xuất bản tập đầu tiên của Tư bản luận – kỹ sư Tây Ban Nha Ildefonso Cerdà cho in tác phẩm dù bị xem nhẹ đã gây ảnh hưởng mạnh về sau, tức Lý thuyết tổng quát về Đô thị hóa (the General Theory of Urbanization), trong đó, ông nhắm đến việc định hình một hệ khung ý niệm mới cho xây dựng đô thị. [iii] Tuy nhiên, lý thuyết của Cerdà không chỉ là một cẩm nang thiết kết đô thị, nó đúng hơn là một truy vấn nhận thức luận với mục đích tái định nghĩa những gì mà cho đến tận lúc đó vẫn thường được gắn với “thành phố” (city).

Điểm cốt lõi trong lý thuyết của Cerdà là việc đặt ra khái niệm mới: urbanizacion (đô thị hóa), có nguồn gốc từ từ La tinh urbe. Ở La mã cổ đại, urbe là thành phố, nhưng đối lập với định nghĩa thành phố như là civitas, tức một định chế chính trị (tạo ra từ civis, tức công dân (citizens)), urbe định nghĩa thành phố như một tổ chức vật chất tạo ra từ công trình và cơ sở hạ tầng với cùng một mục tiêu như không gian nhà ở: tức duy trì đời sống cư dân. Trong một đoạn văn quan trọng, Cerdà mô tả đô thị hóa như là điều kiện của sự vô hạn và thâu tóm toàn bộ của chuyển động và liên lạc, tức như một “một đại dương rộng lớn, xoay vần của con người, của vật, của lợi ích đủ loại, của muôn ngàn yếu tố đa dạng” hoạt động trong sự tương hỗ liên tục và như vậy định hình một toàn bộ không thể bó hẹp trong bất kỳ cấu thành lãnh thổ hữu hạn nào trước đây như là thành phố tường bao.[iv] Với Cerdà, điều kiện đô thị đã mở ra một con đường hoàn toàn mới để thiết kế thành phố, không còn chỉ là về hình thức của công trình và không gian, mà còn là toàn bộ sự vận hành của thành phố như là một hệ thống cơ sở hạ tầng quy mô lớn. Thiết kế mới như thế sẽ liên đới với việc sử dụng dữ liệu thống kê, sơ đồ giao thông, hay bản đồ hóa các nguồn tài nguyên thiên nhiên – nói ngắn gọn, tất cả loại hình thông tin có thể cung cấp một kiến thức lãnh hội được về sự cư trú của con người vượt khỏi những vật chứng hữu hình của thành phố xét như là hình thái được xây dựng.

Cerdà đã viết lý thuyết tổng quát sau khi đã thiết kế cho dự án mở rộng Barcelona vào năm 1859.  Sự mở rộng mà ông nhắm đến cốt ở một hệ lưới cho phép sự tái phân phối công bằng của cải xã hội có thể thực hiện. Yêu tố mấu chốt trong đồ án của Cerdà là việc sử dụng chưa có tiền lệ những dữ liệu thống kê nhằm hỗ trợ cho đồ án. Hệ lưới không chỉ là hình thức mà còn là hệ thống trong đó, nhà ở, giao thông và vị trí của các chức năng có thể được quy hoạch vào trong một hệ thống. Chính những can thiệp lên Barcelona đã dẫn dắt Cerdà lý thuyết hóa thành phố vượt trên sự đối lập giữa cái được bao chứa (tức giao thông, buôn bán, và nhu cầu thiết thân của con người) và cái bao chứa (tức kiến trúc và cơ sở hạ tầng). Cerdà đưa vào một ý niệm liên quan đến thực tại vật liệu của thành phố mà không thể quy giản về bất kỳ một đối tượng vật chất nào như là công trình hay đường xá. Giống như tư bản hay lao động được Marx mô tả, đô thị của Cerdà là một điều kiện, chứ không phải là một vật, ảnh hưởng lên tất cả mọi thứ và siêu vượt sự khác biệt giữa cái gì là vật chất và cái gì là phi vật chất. Đô thị là tập hợp phong phú của những mối quan hệ đã thoát khỏi mọi ý đồ muốn cô đọng trong một vật thể hữu hạn. Lý thuyết của Cerdà, trên thực tế, là định nghĩa của đô thị hóa như một cỗ máy quản lý tổng bộ hóa trong đó thành phố như là hình thái chính trị khả tri đã bị vượt bỏ và hấp thụ trong một bộ máy pháp lý, tiêu chuẩn và thuần lý mở rộng mãi mãi, mà sự vật chất hóa tối hậu của nó chính là hệ lưới giao thông vô tận.[v]

[i] Afred Sohn-Rethel, Intelllectual and Manual Labor, 45.

[ii] Peter Halley, “The Crisis in Geometry,” Arts Magazine, vol 58, no.10 (tháng Sáu 1984): 20-24.

[iii] Ildefonso Cerdà, Cerdà: The Five Bases of the General Theory of Urbanization, ed. Arturo Soria y Puig (Madrid: Electa, 2000).

[iv] Sách đã dẫn, 79.

Chi tiết họa đồ mở rộng Barcelona của Ildefonso Cerdà vào năm 1959

Với Lý thuyết tổng quát về Đô thị hóa, Cerdà đã đưa vào diễn ngôn và đồ án của thành phố một khoa học luận mới mà đối tượng truy vấn của khoa học luận này lại có một bản chất nghịch lý: đô thị vừa vô hình vừa cụ thể. Nó vô hình vì bản chất của nó không thể quy giản về bất kỳ một đối tượng vật lý nào. Và nó cụ thể vì đô thị luôn luôn tác động và biến đổi điều kiện vật lý của sự vật. Bản thân một công trình, một cây cầu, một con đường hay ngay cả con người không có tính đô thị, nhưng điều kiện đô thị gán nghĩa cho các yếu tố đó và khiến chúng hoạt động trong một hệ thống được tổng bộ hóa. Nếu ta đi theo cái định nghĩa của đô thị như một sự trừu tượng trở thành hiện thực trong vô số cách thức hoạt động, chúng ta sẽ đến rất gần với bản chất thật sự của lao động công nghiệp. Điều kiện đô thị được Cerdà mô tả sinh ra từ nhu cầu duy trì con người sống và sản xuất. Quản trị cuộc sống – điều Michel Foucault gọi là sinh-chính trị – trở thành chiến lược tại thời điềm mà sự rút ra giá trị thặng dư từ sức lao động trở thành ưu tiên hàng đầu của chủ nghĩa tư bản. Trong khi Cerdà nhìn một lạc quan đô thị hóa, như là một điều kiện trong đó sự phát triển công nghệ vô hạn sẽ tạo ra sự thống nhất hòa hợp trên toàn thế giới dựa trên việc phân phối bình đẳng tài sản, thì ngày hôm nay, điều đó đã rất rõ, nếu không tầm thường, rằng đô thị hóa đã góp phần vào tiến trình biến mọi thứ tồn tại trên toàn thế giới thành hóa. Cerdà muốn mang đến diện mạo đích thực cho đô thị hóa như một hình thái phi hình dạng, thoát khỏi tất cả biểu tượng và ý nghĩa của thành phố truyền thống. Trong đô thị hóa đương đại thì sự thừa mứa của biểu tượng và ý nghĩa lại trở thành một bức màn thông dụng để che đi đằng sau nó sự hoạt động của trừu tượng tư bản. Vì lẽ đó, vai trò của kiến trúc sắp tới không chỉ là lột bỏ tấm mặt nạ của sự trừu tượng không thể chối bỏ của kiến trúc như là tiến trình, mà còn phải làm hiển lộ một hình thái kiến trúc mà trong đó, nhận thức về những điều kiện mà ta cư lưu có thể trở thành tiền đề cho một hình thức sống mới trong lòng và chống lại quyền năng của sự trừu tượng.

Họa đồ đánh máy đồ án No-stop City của Archizoom, 1969.

Pier Vittorio Aureli là một kiến trúc sư và nhà giáo dục. Ông dạy ở trường Architecture Association tại London và là giáo sư thỉnh giảng Davenport tại Yale School of Architecture, New Haven. Ông là tác giả của The Possibility of an Absolute Architecture (2011), The Project of Autonomy: Politics and Architecture Within and Against Capitalism (2008, tái bản năm 2012) và rất nhiều tiểu luận. Aureli là người đồng sáng lập của Dogma, một văn phòng kiến trúc tập trung vào đồ án thành phố.